Hơn 100 người trong độ tuổi trên 50 tới tham dự đã được nghe bài nói chuyện của BSCKII. Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần về các triệu chứng ban đầu có thể gặp, cách phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh Alzheimer tại gia đình. Theo BS Tuấn, Alzheimer là bệnh sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi có thể do nhiều căn nguyên phức tạp. Alzheimer xuất hiện với tần xuất tăng mạnh theo độ tuổi, cao nhất (tới 60 – 70%) ở độ tuổi 80 – 90, cá biệt có trường hợp sớm ở tuổi 50 – 60. Người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám sàng lọc và phát hiện bệnh khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau đây:
- Hay quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm;
- Khó khăn để nhớ thực hiện những việc quen thuộc hàng ngày (vệ sinh cá nhân, ăn uống…);
- Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng;
- Có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc, hoặc không thể nhớ phải làm thế nào để đến được nơi đó hoặc từ đó quay trở về nhà;
- Khó nhận biết con số hoặc thực hiện các phép tính đơn giản;
- Quên vị trí đồ vật vẫn thường để chỗ quen thuộc;
- Tâm trạng, khí sắc dễ thay đổi;
Theo BS Tuấn, bệnh Alzheimer tiến triển nhanh dẫn tới mất trí nhớ, thuốc điều trị có giá thành rất cao, vì vậy cần được phát hiện sớm để có thể phòng ngừa và chăm sóc tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cho người bệnh và gia đình.
Việc phát hiện sớm giúp cho các bác sỹ thiết lập được phác đồ điều trị, làm chậm quá trình tiến triển, kéo dài thời gian ổn định và giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình và xã hội. Biểu hiện sớm của rối loạn nhận thức gồm: quên tên người rất quen biết hoặc những sự kiện mới, hay lẫn lộn; cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu. Giai đoạn đầu mắc bệnh, người bệnh thường hay quên và thay đổi hành vi nhưng vẫn nhớ các sự kiện trong quá khứ. Song đến giai đoạn muộn thì bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ và khả năng phán đoán, suy luận, đặc biệt mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần có người giúp đỡ.
Để sàng lọc sớm bệnh Alzheimer, các tham dự viên đã được thầy thuốc Viện Sức khỏe Tâm thần cho thực hiện các bài trắc nghiệm theo 3 mức độ từ đơn giản (vẽ đồng hồ - BN tự làm) đến bài phức tạp hơn (cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc bác sỹ chuyên khoa). Những người có dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer sẽ được tiếp tục làm bài test MMSE để đánh giá nguy cơ và mức độ bệnh để có những tư vấn phù hợp và hiệu quả. Những trường hợp cần theo dõi và điều trị được Ban tổ chức hẹn khám và theo dõi tiếp tục trong các ngày tới.
Bên cạnh việc phổ biến kiến thức, Tình nguyện viên của CLB Yoga cười và nhân viên phòng CTXH còn hướng dẫn một số bài tập Yoga cười, hơi thở Yoga để thư giãn và tăng cường sức khỏe tinh thần cho các tham dự viên. Hình ảnh ThS. Nguyễn Doãn Phương - Phụ trách viện Sức khỏe Tâm thần, BSCKII. Phạm Thị Bích Mận – Trưởng phòng CTXH cùng các thành viên trong Ban tổ chức cùng tham gia thực hiện các bài tập với các tham dự viên với những tiếng cười sảng khoái sẽ còn đọng mãi trong mỗi tham dự viên mặc dù buổi sinh hoạt đã kết thúc.
Một số hình ảnh:
Đỗ Hằng