Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim

“Biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 thì hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều”, bác sĩ Tạ Mạnh Cường cho hay.

Bất chấp những cảnh báo và nỗ lực tuyên truyền rộng rãi, thuốc lá vẫn đang cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người mỗi năm. Vượt khỏi các căn bệnh hô hấp thường gặp, y học hiện đại đã ghi nhận những tác hại của thuốc lá đến hệ tim mạch của người hút thuốc. 

Thuốc lá cũng như tác động của nó đến hệ tim mạch, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS, bác sĩ Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng, Trưởng đơn nguyên cấp cứu và hồi sức tích cực tim mạch, Viện Tim mạch Quốc Gia (Bệnh viện Bạch Mai).

PGS.TS, bác sĩ Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng, Trưởng đơn nguyên cấp cứu và hồi sức tích cực tim mạch, Viện Tim mạch Quốc Gia (Bệnh viện Bạch Mai)

PV: Thưa bác sĩ, bệnh viện là nơi bị cấm hút thuốc nhưng hiện nay tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện vẫn rất phổ biến?

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường: Với nhiều người hiện nay hút thuốc lá đã trở thành thói quen từ rất lâu, với họ, thuốc lá đã trở thành một phần của cuộc sống nên dù nhận thức được tác hại của thuốc lá nhưng nhiều người vẫn không bỏ được. Vấn đề nữa là hiện nay giá bán thuốc lá của chúng ta cũng còn rất rẻ so với các quốc gia khác trên thế giới.

Tại các bệnh viện, dọc hành lang có rất nhiều tấm biển cấm hút thuốc lá, băng rôn tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhưng một thực tế là vẫn còn nhiều người nhà bệnh nhân hút thuốc lá tại đây.

Khi cơn thèm thuốc lá lên thì có thể khi đang bế con nhỏ vào viện cũng hút thuốc. Tôi nghĩ, quan trọng là người hút thuốc lá phải ý thức việc mình đang làm không những gây ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hướng đến những người xung quanh.

Thực ra, vấn đề hút thuốc lá cũng đang khiến nhiều bệnh viện đâu đầu. Chúng ta đều biết, hiện nay Luật cũng đã quy định và có chế tài với việc hút thuốc. Tuy nhiên, tại bệnh viện hiện nay chưa có đội ngũ thực thi Luật này.

Bởi lẽ, y tá hay bác sĩ trong bệnh viện khi nhìn thấy người hút thuốc thì cũng chỉ nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc.

Việc hút thuốc diễn ra chốc lát, không có bằng chứng để đưa đến Thanh tra Y tế hay các cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt. Hơn thế nữa, việc bán thuốc lá hiện nay tràn lan, không chấp hành bất cứ quy định nào.

Thanh tra Y tế là lực lượng chủ lực về xử phạt, nhưng lại quá mỏng, thiếu về số lượng và trang thiết bị, kinh phí hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền xử phạt của UBND các cấp, đó là quy định thẩm quyền chung theo hiện hành là Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm chính việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của cấp xã, phường, thị trấn nên rất khó thực hiện.

PV: Xin bác sĩ cho biết hệ lụy mà thuốc lá mang đến với tim mạch?

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường: Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ và nhồi máu cơ tim – những biến chứng tim mạch nguy hiểm gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% trong tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích. Một trong những nguyên nhân liên quan là hút thuốc lá.

PV: Cụ thể, thuốc lá ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường: Hệ lụy của thuốc lá rất nhiều người biết thậm chí họ còn hiểu rất rõ. Thực tế là, những biến cố, biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 thì hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều, có những người còn rất trẻ, tuổi đời chưa quá 30 đã bị nhồi máu cơ tim rất nặng.

Hút thuốc lá gây vữa xơ động mạch. Mảng vữa xơ làm lòng mạch máu trở nên gồ ghề, không còn trơn nhẵn nữa, ngay khi tuổi đời còn rất trẻ. Lòng mạch ngày càng hẹp lại, gây thiếu máu ở những cơ quan, tổ chức sau chỗ hẹp. Một lúc nào đó, lòng mạch bị chít hẹp khít lại hoặc mảng vữa xơ động mạch long vỡ ra gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch máu khiến máu không thể chảy qua được gây nhồi máu các cơ quan, tổ chức phía sau: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não (đột quỵ) nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới mà thậm chí phải cắt cụt các chi.

Sau khi mắc bệnh, chất lượng cuộc sống giảm đi rất nhiều,tâm lý người bệnh cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Họ có thể nghĩ rằng, mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!

Nguồn: https://infonet.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image