Nam bệnh nhân ở Lâm Thao (Phú Thọ) vừa được cứu thành công sau khi trải qua 6 lần ngừng thở và gia đình đã xác định lo hậu sự. Bệnh nhân đã được các chuyên gia hội chẩn từ xa để tìm hướng điều trị phù hợp.
6 lần ngừng tuần hoàn liên tiếp
Nam bệnh nhận T.A.P (36 tuổi, trú tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), nghề nghiệp làm ruộng, vừa được các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn từ xa để đưa ra chiến lược cai máy hỗ trợ thở và hồi phục chức năng tim, thận... để tiến tới can thiệp mạch vành.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân nhập viện ngày 3/9 trong tình trạng mệt đuối, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi cộng nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngừng tuần hoàn có hồi phục, suy đa tạng, tăng huyết áp. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp phát hiện 3 năm nay nhưng không rõ huyết áp nền.
Toàn cảnh buổi hội chẩn từ xa cho bệnh nhân Tạ Anh P từ điểm cầu Phú Thọ
Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi và không có các điều trị. Ngày vào viện thì xuất hiện đau ngực, khó thở. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện thì ngừng tuần hoàn, được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại bệnh viện huyện 40 phút, sau đó tim đập lại, ngừng tuần hoàn được tái lập và duy trì 3 vận mạch. Do nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến ngừng tuần hoàn nên bệnh nhân được làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, trong trong quá trình làm thủ tục thì bệnh nhân lại ngừng tuần hoàn lần thứ hai. Cấp cứu khoảng 10 phút, tim đập trở lại nhưng ngay sau đó, bệnh nhân lại rơi vào hôn mê sâu. Sau khi duy trì 3 phút vận mạch liều cao thì gia đình quyết định đưa bệnh nhân về nhà để... lo hậu sự.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: "Khi đưa về nhà, bệnh nhân được duy trì bóp bóng trong khoảng 1 giờ thì có dấu hiệu kích thích nên gia đình đã đưa đến bệnh viện tỉnh. Sau khoảng 4 giờ vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, duy trì bóp bóng, 3 vận mạch và thực hiện các thăm dò, xét nghiệm thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn 3 lần liên tiếp. Bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, duy trì các vận mạch, lọc máu liên tục và thở máy. Sau 18 giờ, tình trạng bệnh nhân chuyển biến theo hướng tích cực".
Tuy nhiên, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được các bác sỹ đưa xuống phòng chụp mạch vành thì tiếp tục ngừng tuần hoàn.
"Giành giật" hơi thở cho bệnh nhân
GS.TS Nguyễn Gia Bình chủ trì buổi hội chẩn từ xa từ điểm cầu BV Bạch Mai.
Chủ trì buổi hội chẩn từ xa, GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức chống độc Việt Nam đã đánh giá rất cao những nỗ lực của các y bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chạy đua với thời gian để "giành giật" hơi thở cho nam bệnh nhân sau nhiều lần ngừng thở.
Do tình trạng bệnh nhân phức tạp, nên trong buổi hội chẩn từ xa, các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn, cùng đánh giá và đưa ra những chiến lược can thiệp mạch vành, cai thở máy cũng như xử lý các vấn đề nhiễm trùng, suy tim, suy thận tăng cho nam bệnh nhân.
Qua chẩn đoán hình ảnh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định: "Nếu chúng ta bàn về câu chuyện mạch vành đơn thuần thì tổn thương sau nhồi máu cơ tim cấp tuần thứ 2 sẽ có tình trạng suy tim sau nhồi máu. Tất nhiên tình trạng suy tim này đã khá hơn so với trước đó. Tuy nhiên, qua hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cung cấp thì quả tim của bệnh nhân gần như đã lờ đờ, không bóp một chút nào cả. Vấn đề đặt ra lúc này là chiến lược can thiệp mạch vành phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng suy tim, suy thận".
Hình ảnh cắt lớp vi tính tình trạng ngực, tim của bệnh nhân P.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, nếu làm can thiệp thì khá phức tạp, có thể ảnh hưởng nặng đến bệnh nhân và đẩy tình trạng suy thận của bệnh nhân lên rất nhiều. Nên nếu tình trạng suy tim dần hồi phục, mà có thể cai thở máy thì ta cứ điều trị nội khoa cho ổn định hơn, tình trạng chức năng thận hồi phục hơn, sau đó mới tính đến việc can thiệp.
"Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không thể bỏ máy, tình trạng suy tim vẫn cao thì có thể cân nhắc chuyện tái thông mạch vành để cải thiện tình trạng suy tim, cai thở máy và chấp nhận tình trạng suy thận tăng lên thì chúng ta làm can thiệp. Nếu theo dõi lâm sàng thấy rằng, dịch màng phổi đỡ hơn và có thể cai thở máy thì có thể tối ưu câu chuyện lọc máu trước rồi cai máy cho bệnh nhân, để chức năng thận tốt hơn thì việc can thiệp sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp một vài ngày tới, bệnh nhân không thể cai thở máy thì lúc đó, chúng ta có thể đặt can thiệp mạch vành và chấp nhận nguy cơ suy thận tăng lên", PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang cho hay.
PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: "Vì bệnh nhân nằm lâu nên cần phải sàng lọc nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác. Đơn cử như nước tiểu, vết loét... để kiểm soát nhiễm trùng. Ngoài ra, cần thực hiện các xét nghiệm đông máu. Tuy nhiên, với trường hợp này thì nên thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm xem có nguy cơ huyết khối hay không".
Đồng tình với các nhận định trên, TS Bùi Tuấn Anh - Trưởng khoa Hóa sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chuẩn đoán suy đa tạng nhưng tôi thấy nổi trội là suy tim và suy thận. Suy tim cao, chỉ số suy thận tăng, nhiễm trùng. Trong khi đó, chỉ số dinh dưỡng giảm, kali thấp. Mặc dù khí máu có xu hướng tốt hơn nhưng cần thận trọng trong dùng amikacin (thuốc kháng sinh-PV) trong quá trình điều trị. Nếu định lượng được nồng độ amikacin trong quá trình điều trị thì xác định nồng độ đỉnh với nồng độ đáy trong điều trị thì an toàn hơn".
TS Lê Thị Diễm Tuyết (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chú ý đảm bảo dinh dưỡng và vỗ rung, thay đổi tư thế cho bệnh nhân để tránh xẹp phổi. Trong khi bắt đầu chiến lược cai máy thì chú ý vấn đề suy tim, cân bằng nước.
Tóm lược lại các ý kiến từ hội đồng hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim trước rộng, biến chứng sốc tim và ngừng tuần hoàn rất nhiều lần, cấp cứu đã rất thành công. "Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng can thiệp muộn nhất có thể để ưu tiên hồi phục cho các chức năng tim, thận... Bên cạnh đó, tiếp tục điều trị nhiễm trùng, kiểm soát nước, điện giải, nên lọc máu liên tục, kiểm soát dinh dưỡng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bệnh nhân phải bỏ được máy và trong buổi hội chẩn tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi lại về tình hình của bệnh nhân này để từ đó tiến hành các bước tiếp theo", GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
Nguồn: http://giadinh.net.vn