Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

KHÁNH THÀNH CÔNG TRÌNH CẢI TẠO TRUNG TÂM ĐỘT QUỴ - BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Chiều ngày 6/5/2024, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cắt băng khánh thành và gắn biển công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. Công trình được xây mới mở rộng 03 tầng, với tổng diện tích sàn là 279m2, giúp Trung tâm có thêm các phòng bệnh để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người bệnh đột quỵ

Buổi lễ có sự tham dự của Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Lãnh đạo Tập đoàn GELEX, cùng đại diện lãnh đạo các khoa/phòng của Bệnh viện.

Công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được khởi công ngày 21/9/2023. Sau nhiều tháng nỗ lực triển khai thi công, ngày 15/3/2024, các hạng mục cải tạo, mở rộng Trung tâm Đột quỵ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công trình được xây mới mở rộng 03 tầng, với tổng diện tích sàn là 279m2, trên tổng diện tích đất xây dựng là 206 m2, kinh phí do Tập đoàn GELEX tài trợ.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm Đột quỵ ra đời hơn 3 năm nhưng hàng ngày đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng chuyển đến. Trung tâm đã triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ cấp cứu đột quỵ cấp, phối hợp với các viện/trung tâm/khoa phòng trong Bệnh viện để phát triển nhiều kỹ thuật cao về can thiệp đột quỵ hiện nay đã trở thành thường quy như: kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...

Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn người bệnh đột quỵ của miền Bắc. Cao điểm, có những ngày, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh."Những bệnh nhân này đều được điều trị hiệu quả bởi chúng tôi có đầy đủ các giáo sư, bác sĩ chuyên gia đầu ngành của tất cả các chuyên khoa sâu. Đó là sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong bệnh viện để hoạt động điều trị đạt hiệu quả tối ưu như Chẩn đoán hình ảnh xử trí lấy huyết khối; Trung tâm Đột quỵ áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết..."- Giám đốc Đào Xuân Cơ nói.

Giám đốc Đào Xuân Cơ cũng khẳng định, việc đưa vào sử dụng công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ không chỉ là thêm giường bệnh, thêm phòng can thiệp cho bệnh nhân mà còn giúp vận chuyển bệnh nhân dễ dàng hơn vì đã được trang bị thêm hệ thống thang máy. PGS Đào Xuân Cơ cũng gửi lời cảm ơn tới Ban lãnh đạo và tập thể CBNV của Tập đoàn GELEX đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với Bệnh viện, trao tặng món quà ý nghĩa để các thày thuốc có thể phục vụ và điều trị bệnh nhân tốt hơn.

Thông tin với báo chí bên lề sự kiện, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay Trung tâm Đột quỵ đang có 50 giường bệnh, sau cải tạo đã có thêm 10 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân. Như vậy tính số lượt giường bệnh của cả năm thì Trung tâm sẽ có thêm 3.600 lượt giường bệnh.

Cùng đó, sau cải tạo, Trung tâm có thêm phòng thủ thuật khoan sọ để dẫn lưu não thất trong các trường hợp tối cấp bệnh nhân tràn ngập máu không kịp phẫu thuật. Lúc này bác sĩ của Trung tâm sẽ dùng máy khoan để khoan máu ra, sau đó chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Thay vì trước đây, thủ thuật này phải làm tại vị trí ngoài Trung tâm.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, không chỉ tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ là người Việt, Trung tâm còn tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân người Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đang làm việc tại Việt Nam. Họ đều được các thầy thuốc Bạch Mai chữa trị khỏi di chứng của đột quỵ, trở lại làm việc như bình thường và đánh giá rất cao chuyên môn của thầy thuốc tại đây.

Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin, mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng". Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong "thời gian vàng" đạt 50-75%.

Hiện nay, nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu sai như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung... bỏ qua "thời gian vàng" đến viện.

Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc... đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ. Vì thế PGS.TS Mai Duy Tôn đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:

  • Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
  • Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….
  • Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

M.Thanh - T. Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image