Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Khi bệnh viện phải kí miễn cho bệnh nhân nghèo

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều năm qua, Trung tâm đã phải kí giấy nợ hoặc miễn phí cho một số bệnh nhân nghèo không có tiền đóng viện phí trong bối cảnh bệnh viện cũng hết sức khó khăn…
 
Bất lực trước cái nghèo của bệnh nhân

Nói chuyện với chúng tôi nhưng thỉnh thoảng lại có y tá đến gõ cửa phòng hỏi “bệnh nhân hết tiền để đóng viện phí, tiền thuốc, tiền huyết tương để truyền, bây giờ phải làm sao anh?”, khuôn mặt khắc khổ của PGS.TS Phạm Duệ thoáng mệt mỏi, giọng ông buồn rầu: “Cho kí nợ, lấy huyết tương truyền cho bệnh nhân đi”. “Bệnh nhân hết tiền rồi, giờ phải xử lý ra sao?” là câu hỏi thường xuyên PGS. TS Phạm Duệ bắt gặp mỗi ngày. Câu hỏi đó luôn khiến ông phải suy tính cân nhắc và nhiều khi bất lực.

Trường hợp bệnh nhân V.V.Đ (Thái Nguyên) là một ví dụ mà mỗi khi nghĩ đến ông Duệ lại ngậm ngùi. Cách đây chưa lâu, bệnh nhân này bị ong đốt, gia đình hết tiền, Trung tâm phải cho kí nợ tạm thời. PGS. TS Phạm Duệ đau xót nói: “Tất cả những thuốc men, vật tư bệnh viện cũng phải đi mua, phải trả tiền. Như vậy, người nhà phải trả lại tiền cho Trung tâm. Nghe đâu người nhà đã phải cầm cố căn nhà đang ở của bố mẹ bệnh nhân để trả tiền viện phí. Ngoài ra còn phải vay nợ họ hàng, người thân. Nhưng điều đau lòng nhất là bệnh nhân lại không qua khỏi. Số tiền bệnh nhân còn nợ không nhiều và tất nhiên bệnh viện cũng không thể thu lại nhưng nỗi đau của bác sĩ không nằm ở số tiền nợ. Đó là vấn đề tình người, sự bất lực trước cái nghèo, trước số phận của bệnh nhân, trước khả năng của y học khi bệnh nhân không thể vượt qua cái chết còn gia đình thì khánh kiệt. Chính điều đó làm tôi cảm thấy day dứt và đau lòng nhất”.

Ngoài những bệnh nhân nghèo khó thực sự thì cũng không ít những bệnh nhân do tiếc tiền mà ỷ lại cho bệnh viện. Có trường hợp một bệnh nhân nam đã già vào điều trị tại Trung tâm, khi thu viện phí thì gia đình nói không có tiền. Cuối cùng bác sĩ điều tra, tìm hiểu và được biết cụ già có đến 6 người con nhưng anh em đùn đẩy nhau, không ai chịu góp tiền để cho cha điều trị. PGS.TS Phạm Duệ gặp một trong số người con nói: “Chẳng nhẽ 6 người con mà không có nổi 2 triệu đồng góp lại để trả viện phí cho cha? Nếu các anh muốn đùn đẩy cho bệnh viện thì hãy về hết đi và coi như ông cụ là người vô gia cư thì chúng tôi sẽ chữa cho ông ấy”. Khi nghe bác sĩ nói vậy thì những người con của bệnh nhân đã đóng tiền để chạy chữa cho bố.

“Tuy nhiên, những trường hợp chây lì, ỷ lại như thế không nhiều. Còn lại đa số là người bệnh quá khó khăn bởi phải điều trị những bệnh nặng. Với những ca như vậy đòi hỏi kỹ thuật cao, điều trị thuốc men tốn kém nên bệnh nhân khó kham nổi. Chưa kể, có những bệnh nhân nhập viện do tự tử, nghiện hút bị sốc thuốc… nên có nhiều cảnh éo le, trớ trêu mà ngoài việc chuyên môn, các y, bác sĩ còn phải là một nhà tư vấn nữa”, PGS.TS Phạm Duệ chia sẻ.
 
Cần miễn nốt 5% đồng chi trả

Theo PGS.TS Phạm Duệ, với nguồn ngân sách hạn hẹp, các bệnh viện khó có thể cho bệnh nhân kí nợ hay miễn viện phí bởi phần nhiều các bệnh nhân nghèo khó có khả năng trả nợ. Nếu như vậy thì bệnh viện sẽ vỡ quỹ.
 
Còn ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong nhiều năm qua, bệnh viện đã miễn phí cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo nhưng quỹ của bệnh viện cũng chỉ có hạn. Một số bác sĩ khi thấy bệnh nhân quá nghèo, còn khả năng cứu chữa nên đã vận động các tổ chức hảo tâm giúp đỡ nhưng cũng chỉ được một số trường hợp, không thể bao phủ cho tất cả các bệnh nhân nghèo. Chính vì thế, nhiều năm nay, bản thân ông Hiền đã góp ý miễn phí nốt 5% còn lại cho BHYT người nghèo (hiện tại BHYT người nghèo được hưởng 95%, bệnh nhân phải đồng chi trả 5%). Theo ông Hiền: “Việc vận động giảm nốt 5%  không bắt bệnh nhân cùng chi trả cho đối tượng người nghèo là hết sức cần thiết, thể hiện được tinh thần nhân đạo của Việt Nam ta”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, tự tử, sốc thuốc… nên các bác sĩ ở đây cũng rất vất vả. Đối với các trường hợp cấp cứu thì các bác sĩ luôn phải cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của bác sĩ, còn để miễn phí cho tất cả các bệnh nhân nghèo là không thể. Có nhiều người nghèo, điều trị tốn kém nên Trung tâm đã đề nghị bệnh viện kí miễn phí cho một số trường hợp khó khăn, thậm chí còn nuôi cả tiền ăn cho họ. Phần lớn các bệnh nhân khi được cứu giúp họ rất biết ơn bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bác sĩ kêu gọi từ thiện giúp bệnh nhân nhưng khi ra viện quay lại kiện bác sĩ. Tất nhiên đó không phải là trường hợp phổ biến nhưng nhiều khi cũng làm cho các bác sĩ đau lòng. “Thời gian qua, một số nhà hảo tâm cũng đã giúp BV Bạch Mai số tiền nhỏ. Trường hợp bệnh nhân thực sự khó khăn nhưng có khả năng cứu chữa thì chúng tôi trích từ số tiền này để giúp đỡ họ. Với một số trường hợp quá khó khăn thì chúng tôi kí miễn phí. Nhưng đó không phải là giải pháp bền vững và lâu dài”, ông Hiền cho biết. 
 
Theo Giadinh.net 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image