Tình nguyện viên hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục khi đến khám và điều trị
Không thấy phàn nàn, chỉ có lời khen
Có mặt tại khoa TMH vào đầu giờ sáng thứ 2 (ngày đông bệnh nhân nhất trong tuần), mặc dù lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông song không có cảnh chen lấn xô đẩy. Bệnh nhân đều được nhân viên y tế của khoa và các tình nguyện viên hướng dẫn xếp hàng, mua phiếu khám và trật tự ngồi ghế chờ gọi đến lượt mình vào khám.
Lần đầu tiên đi khám ở BV Bạch Mai nên bệnh nhân Nguyễn Văn Đạt (55 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) còn bỡ ngỡ, đi lại trước cửa phòng khám TMH của khoa Tại Khoa Khám bệnh mà chưa biết bắt đầu thủ tục từ cửa nào. Vừa lúc đó, một cô gái mặc áo xanh tình nguyện đến hướng dẫn chú làm các thủ tục cần thiết, đưa đến từng bàn làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh dành cho BN có bảo hiểm y tế...
Trao đổi với chúng tôi, CN. Trịnh Tú Hoa – Điều dưỡng trưởng của Khoa TMH cho biết: Tất cả các khâu khám chữa bệnh đều được nhân viên của khoa thông báo và giải thích rõ ràng. Bệnh nhân đến khám đều được bắt đầu ở phòng tiếp đón để phân loại: Với BN sau mổ đến tái khám sẽ được sắp xếp để chính bác sỹ đó khám lại để đảm bảo theo dõi và điều trị liên tục; Với những BN mới đến khám lần đầu, được nhân viên y tế giải thích và tư vấn rõ ràng về các dịch vụ khám hiện có để cho bệnh nhân lựa chọn: khám giáo sư và khám bác sỹ chuyên khoa.
Cô Trần Thị Hòa (62 tuổi, ở Đông Hưng, Thái Bình), bị K tuyến giáp, hôm nay, theo giấy hẹn đến làm thủ tục nhập viện phẫu thuật. Khi được hỏi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, cô Hòa vui vẻ cho biết: “Các bác sỹ, y tá của khoa ai cũng nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trước đây 2 ngày, tôi còn được bác sỹ gọi điện về quê nhắc lịch mổ đấy. Các bác sỹ ở đây chu đáo lắm, chẳng có gì để phàn nàn cả cô ạ”.
Theo CN. Trịnh Tú Hoa, tại Phòng khám TMH, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 BN đến khám. Các BN được hộ lý hướng dẫn ngồi chờ, xịt thuốc, phát số vào các box khám và chờ gọi tên theo thứ tự. Chị Hoa cho biết, từ cách xưng hô, gọi tên bệnh nhân - một việc làm tuy nhỏ cũng được tập huấn rất kỹ càng và thực hiện nghiêm túc theo quy định mà Bộ Y tế hướng dẫn: “Mời bác Nguyễn Văn A, 50 tuổi vào phòng nội soi B”. Một số nơi vẫn gọi bệnh nhân theo số khám, họ phản ánh “chúng tôi có tên có tuổi, chứ đâu phải phạm nhân mà gọi theo số”!.
Bệnh nhân sáng tác “thơ cám ơn”
Thực hiện phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, các nhân viên y tế của Khoa TMH luôn xác định rằng, họ đang làm việc cho chính bản thân mình chứ không phải làm việc cho bệnh viện hay cho khoa. Vì thế, đổi mới thái độ phục vụ đối với bệnh nhân còn là vì chính công việc và cuộc sống của mình. Trong tình trạng quá tải chung của bệnh viện, song ở đây không thấy sự quát mắng, to tiếng của nhân viên y tế đối với bệnh nhân và người nhà.
Khoa có 26 giường bệnh nhưng với chủ trương rút ngắn tối thiểu ngày điều trị nội trú của ban lãnh đạo nên ở đây hầu như bệnh nhân không phải nằm ghép. BN Trần Văn Vinh (47 tuổi) phẫu thuật cắt Amiđan phấn khởi cho biết: “chúng tôi được các bác sỹ và các cô y tá phục vụ rất nhiệt tình, chu đáo. Không chỉ thuốc men mà tất cả các bữa ăn, quần áo, nước sôi …đều được phục vụ tại giường. Nhân viên y tế ở đây ai cũng niềm nở, tươi cười. Chúng tôi cảm thấy bệnh của mình nhanh khỏi hơn hẳn”.
Đến tái khám sau phẫu thuật K tuyến giáp 1 tuần, BN Phạm Thị Xuân (65 tuổi, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) phấn khởi chia sẻ: “Khi tôi được ra viện, điều dưỡng đã đến tận giường hướng dẫn các thủ tục thanh toán, bác sỹ thăm khám chu đáo trước khi về, kê đơn thuốc và tư vấn dặn dò rất kỹ lưỡng về chế độ ăn uống, sinh hoạt và hẹn ngày đến tái khám”.
Cảm kích trước thái độ phục vụ tận tình của các nhân viên y tế tại đây, khi được chữa khỏi bệnh về nhà, cô Xuân đã sáng tác những vần thơ đầy xúc cảm gửi đến tập thể bác sỹ, y tá Khoa TMH. Xin được trích dẫn một số lời thơ của cô Xuân như một lời tri ân sâu sắc đến tập thể nhân viên y tế Khoa TMH cũng như các bác sỹ, điều dưỡng của BV Bạch Mai nói chung:
“Khoa Tai Mũi Họng Bạch Mai,
Tấm gương có một không hai trên đời.
Y đức phục vụ sáng ngời,
Từ tâm đến trí và lời “mẹ” khuyên.
….Đến đây chỉ thấy nụ cười
Của người phục vụ và người bệnh nhân”.
Mai Thanh