Ngày 8/3/2019, tại Hội trường Quốc tế - Bệnh viện Bạch Mai, 47 đội thi của bệnh viện đã cùng nhau tranh tài trong Hội thi cắm hoa nghệ thuật chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Tác phẩm Khúc hát Bạch Mai xuất sắc giành giải đặc biệt của cuộc thi
Tới động viên Hội thi và Lễ kỷ niệm Ngày Quốc Phụ nữ Việt Nam của Bệnh viện Bạch Mai có PGS. TS. Nguyễn Quốc Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, Ban CHCĐ bệnh viện và đông đảo các nữ cán bộ viên chức đang công tác tại Bệnh viện… Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh đã phát biểu chúc mừng các nữ CBVC của bệnh viện. PGS Quốc Anh vô cùng xúc động về những tình cảm và tình yêu lớn lao mà các thí sinh dành cho những người mẹ, dành cho mẹ Bạch Mai thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Làm việc trong một môi trường khắc nghiệt với những khó khăn trong cuộc sống, các nữ viên chức vẫn tìm ra cho mình niềm vui, niềm hạnh phúc để yêu thương vá gắn bó với nghề nghiệp. PGS. TS Nguyễn Quốc Anh cũng biểu dương Ban chấp hành Công đoàn Bệnh viện đã tổ chức một cuộc thi hết sức ý nghĩa và có sức lan tỏa trong bệnh viện, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho tất cả các chị em.
PGS. TS Nguyễn Mai Hồng - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đại diện cho hơn 2.000 nữ CBVC của bệnh viện đã lên nhận bó hoa tươi thắm và những ghi nhận, biểu dương của Giám đốc bệnh viện dành cho nữ CBVC của bệnh viện trong việc góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Y tế giao.
PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch CĐYT Việt Nam đã đến dự và tham gia Ban Giám khảo của cuộc thi. Thay mặt ban giám khảo, nghệ nhân ưu tú chuyên ngành hoa nghệ thuật - Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia chấm thi cho BVBM đến mùa thứ 3 nhưng cũng vô cùng ngạc nhiên khi được ngắm nhìn rất nhiều tác phẩm dự thi có lượng cao, với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo; bố cục chặt chẽ và màu sắc hài hoà trong cuộc thi năm nay. Nghệ nhân Mạnh Hùng cho biết: “So với năm 2017, các đội thi đã thể hiện một sự vượt trội về chất lượng, với nhiều ý tưởng sáng tạo bám sát chủ để, thấm đẫm tình yêu với bệnh viện và công việc. Có những tác phẩm thể hiện một sự công phu trong chuẩn bị và sự điêu luyện trong kỹ năng và nghệ thuật cắm hoa, tưởng như tác phẩm của một nghệ nhân. Các tác phẩm chứa đựng quốc hồn, quốc túy trong đó, điều này đã làm khó cho Ban Giám khảo.
Giải cao nhất năm nay thuộc về 1 tác phẩm được dẫn dắt bằng âm nhạc đặc sắc. Tác phẩm đã cho tôi một câu chuyện lịch sử trên 100 năm xây dựng và phát triển của BV Bạch Mai - 1 bệnh viện lớn nhất cả nước. Đó là những nhận xét chung của nghệ nhân Hùng về Giải đặc biệt của tác phẩm “Khúc hát Bạch Mai” do đội thi của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai; 2 Giải nhất thuộc về liên phòng Hành chính Quản trị và Tài chính kế toán với tác phẩm “Bếp Yêu thương” và liên phòng Tổ chức cán bộ + Phòng Điều dưỡng trưởng + Văn phòng Công đoàn với tác phẩm Suối nguồn; Hai Giải nhì, 5 giải Ba; 6 giải phụ và 26 giải khuyến khích là kết quả chung cuộc của cuộc thi hôm nay.
Đỗ Hằng
Bài thuyết trình của tác phẩm đạt giải đặc biệt:
“Khúc hát Bạch Mai” tôn vinh một người mẹ tinh thần – “ Mẹ Bạch Mai” – bà mẹ của trên 3000 CBVC bệnh viện Bạch Mai.
Từ năm 1911, người Pháp cho xây dựng một cơ sở điều trị mang tên Bệnh viện Lây Cống Vọng. Đến năm 1935, Bệnh viện được mở rộng nâng cấp thành bệnh viện đa khoa mang tên René Robin (Rơ – nê –Rô – banh). Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Bạch Mai cho đến ngày nay. Đó là một chặng đường lịch sử dài, rất dài để có một mẹ Bạch Mai hùng vĩ như ngày hôm nay. Người mẹ ấy đã trải qua không biết bao nhiêu không chỉ là khó khăn, gian khổ mà đó là cả máu và nước mắt. Chúng ta những người con của mẹ trong thế hệ hôm nay, không được quên, không được cho phép mình quên những thời khắc lịch sử ấy. Đó chính là thời khắc22-12-1972. Pháo đài bay B52 của Mỹ đánh phá trong lúc Bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Trận bom đã đánh sập nhiều khu nhà, lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đang chăm sóc người bệnh. 28 đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh.
Tác phẩm của Khúc hát Bạch Mai được bắt đầu ghi lại từ thời khắc lịch sử ấy. Màu trắng của cẩm tú cầu tượng trưng cho sự tang thương, chết chóc, 7 bông hồng đỏ tượng trưng cho máu của những người đồng nghiệp, những người bệnh đã đổ xuống, và những cành mai dường như không còn sự sống. Không ai nhìn thấy được một sự sống nào trên sự đổ nát hoang tàn ấy không ai dám nghĩ đến một sự hồi sinh, vậy mà một sức sống mãnh liệt và kèm theo có lẽ là một phép màu mà trên chính sự đổ nát đau thương ấy những bông mai ấy vẫn vươn mình hé nụ, và bắt đầu viết lên một khúc hát hào hùng mang tên khúc hát Bạch Mại. Lịch sử đau thương và khắc nghiệt là nền móng cho Bạch Mai của ngày hôm nay, đã gặt hái không biết bao nhiều thành tựu to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ở chính giữa tác phẩm, sử dụng biểu tượng bông sen trắng, với những cánh sen trắng tượng trưng cho màu áo blouse trắng , tượng trưng cho bàn tay của người thầy thuốc đang nâng niu từng chút ánh sáng le lói chính là sự sống của người bệnh, những cánh Lan Hồ Điệp tím tượng trưng cho niềm tin của người bệnh đang hướng về người thầy thuốc. Nổi bật nhất là sắc đỏ của 3 bông hồng tượng trưng cho nhiệt huyết của những thế hệ thầy thuốc với y đức được thắp sáng như những ánh nến trong đêm.