Chỉ là nghe theo những lời mách bảo đồn đại, nhiều người mắc bệnh hen đã làm đủ kiểu mong chữa khỏi bệnh, trong đó có những “phương thuốc” kinh dị. Trung tâm hen miễn dịch dị ứng lâm sàng, BV Bạch Mai đã ghi nhận được những trường hợp nếu không tai nghe mắt thấy khó mà tin.
Nhăn mặt nuốt nhau thai
Chị Nguyễn Thị A. (ở Thái Bình) bị bệnh hen, nghe người làng mách, chị tìm một con mèo đen chửa sắp đến ngày đẻ. Ngay khi mèo con ra đời, chị A. lấy luôn nhau thai của mèo mẹ, nhăn mặt nhăn mũi nhuốt vào bụng cái vật vừa tanh, vừa khó tả đó. Bệnh của chị chưa thấy khỏi đâu, chị đã phải nhanh chóng đưa vào BV cấp cứu vì cơ thể không chịu được dị vật này. Một trường hợp người bệnh hen khác, anh này cho con thạch sùng sống vào ống, rồi cắt đuôi con thạch sùng. Theo phản xạ, con vật bị cắt đuôi quẫy mạnh, một đầu miệng ống bịt kín, đầu kia để kề miệng người bệnh nên con vật quẫy và chiu ngay vào họng, chạy xuống dạ dày người bệnh.
Theo PGS – TS Nguyễn Văn Đoàn, GĐ Trung tâm dị ứng lâm sàng miễn dịch, BV Bạch Mai, ông còn gặp bệnh nhân nuốt giun đất, mật cá để chữa hen. Nhiều bệnh nhân đã phải nằm điều trị Trung tâm chống độc Bạch Mai hàng tuần liền, thậm chí tử vong vì ngộ độc mật cá trắm chữa bệnh. Mật cá trắm gây suy gan, suy thận, khi thận suy sẽ bị ứ nước trong cơ thể, bệnh nhân có thể tử vong vì phù phổi cấp. Các bệnh nhân nuốt mật cá đều nghe nói tốt cho sức khỏe, chứ không có hướng dẫn nào tin cậy, có cơ sở khoa học.
Người dân còn quan niệm, con cá càng to, mật càng lớn, nuốt càng tốt, trong khi đó thì lượng độc chất từ mật càng lớn, người bệnh lại càng nặng hơn. Lượng mật trong cơ thể con người tiết ra với hàm lượng vừa phải giúp cho tiêu hóa thức ăn. Mật cá nuốt vào có nồng độ đậm đặc khiến cơ thể nhiễm độc vì thế, đó là chưa kể đến mật cá bị nhiễm khuẩn thì đây là còn đường vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Thế nhưng, hầu như năm nào tại Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận 7 – 10 ca ngộ độc mật cá như vậy.
Những lý do trời ơi sợ uống thuốc hen
“Nhẹ nhàng” nhất trong những phương thuốc chữa bệnh lợi bất cập hại này là những người uống thuốc của các thầy lang, thuốc bán mẹt ở chợ. Như bà Vũ Thị Cẩn (54 tuổi, ở Thanh Hóa) vừa nhập viện 2 ngày tại BV Bạch Mai. Bà Cẩn cho biết: "Xuất phát từ những triệu chứng cảm cúm, ho cách đây 4 năm, tôi đã chữa ở nhiều nơi, nhưng chỉ khỏi được một thời gian lại đỡ. Cuối cùng, tôi uống thuốc gói hoàn tán của bà lang được vài lần và thấy có đỡ. Bà ấy còn cho tôi tiêm, tôi có đỡ khò khè hơn, nhưng ngược lại người cứ béo lên, trong khi tôi còn ăn ít hơn bình thường vì người lúc nào cũng tức thở, khó chịu. Khi lên BV Bạch Mai khám, tôi mới biết mình bị hen vì trong thuốc gói có Corticoid có khả năng giảm đau, ngứa rất nhanh nhưng lạm dụng sẽ khiến cơ thể giữ nước. Vì thế người tôi ì trệ, bệnh cũng không khỏi".
Theo TS Đoàn, rất nhiều bệnh nhân hen đã có quá trình điều trị sai như bà Cẩn, uống thuốc hoàn tán của các bà lang vườn. Nhiều viên thuốc nam mà bệnh nhân mang đến, khi kiểm tra đều thấy trong đó có trộn lẫn cả corticoid. TS Đoàn cũng cho biết thêm: “Ước tính có khoảng 4 triệu người Việt Nam bị hen phế quản. Thế nhưng, mới chỉ có khoảng 40% bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, tiếp cận với phương pháp điều trị bệnh mới, tức là sử dụng thuốc dạng xịt điều chỉnh giảm liều nhằm kiểm soát cơn hen và dự phòng tái phát.
Ở Việt Nam, những lý do khiến người bệnh không được điều trị đúng phác đồ là chính người bệnh không muốn thừa nhận mình bị bệnh vì sợ điều tiếng xã hội, sợ sử dụng thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cơ thể (nhất là ở trẻ em). Thực ra, hen là bệnh có thể chữa khỏi nếu được sử dụng đúng thuốc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là khi người bệnh tránh được những yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các con vật nuôi trong nhà chó mèo chim cảnh, phấn hoa, khói thuốc lá, nấm mốc… Một người bệnh nếu có các biểu hiện ho, ho khan kéo dài, có tiếng khò khè trong cơ thể mà người ngồi cạnh cũng có thể nghe được, tức ngực, khó thở thì cần đi khám chuyên khoa hen dị ứng phế quản để được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng phác đồ.
Theo Lao động online