Trong khi nồng độ kali máu bình thường dao động từ 3,5 - 5,5 mmol/L, thì với bệnh nhân (BN) này lên tới 9,4 mmol/L làm cho tim đập rất chậm và gần như ngừng đập. BN bị suy thận cấp trên nền bệnh lý hẹp van tim 2 lá đã 20 năm nay, vào viện trong tình trạng sắp ngừng tim, nguy cơ tử vong cao nhưng rất may mắn đã được các bác sĩ tim mạch cứu sống ngoạn mục…
Nỗ lực cấp cứu làm giảm kali máu, duy trì nhịp tim cho người bệnh
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, ThS.BS Đặng Minh Hải, Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch (C1), Viện Tim Mạch Quốc gia, BV Bạch Mai cho biết, BN Lê Đ.T, nam, 58 tuổi (quê ở Lương Sơn, Hòa Bình) được chuyển đến C1 ngày 13/3/2017 trong tình trạng hôn mê, nhịp tim rất chậm chỉ 10-15 lần/phút. “Với nhịp tim rất chậm và gần như sắp ngừng đập như vậy thì máu không thể lưu thông trong mạch máu, duy trì cho chức năng sống tối thiểu của cơ thể và tất yếu BN sẽ tử vong. Do đó, khó khăn nhất lúc này là phải làm cho tim đập nhanh lên, tối thiểu cũng phải được 60 lần/phút và duy trì được nhịp tim của người bệnh” ThS. Hải nói.
Rất nhanh chóng, BN lập tức được ép tim, bóp bóng hỗ trợ hô hấp và chuyển ngay vào phòng hồi sức tích cực. Tại đây, dưới sự chỉ đạo cấp cứu trực tiếp của PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng, Trưởng Đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, ê kíp cấp cứu nhanh chóng, mỗi người một công việc, khẩn trương duy trì sự sống bằng các kỹ thuật hồi sức cấp cứu và các thuốc chuyên khoa, đồng thời nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra tình trạng thập tử nhất sinh này của người bệnh.
BN nhanh chóng được đặt máy tạo nhịp tim, vừa truyền thuốc tăng cường nhịp đập và sức co bóp cơ tim theo đường tĩnh mạch, đồng thời xét nghiệm nhanh các thành phần điện giải và khí máu động mạch ngay tại giường bệnh.
Các bác sĩ hết sức bất ngờ khi nhìn vào thành phần kali trong máu người bệnh và hầu như không tin vào con số này: kali máu 9,4 mmol/l… Một con số chưa hề tồn tại trong y văn từ trước tới nay... Bình thường kali máu từ 3,5 đến 5,0 mmol/l. Kali máu tăng từ 6,5 mmol/l trở lên được coi là rất nguy hiểm. Kali máu khoảng 7,5 mmol/l nếu không được xử trí có hiệu quả ngay lập tức thì người bệnh sẽ nhanh chóng ngừng tim do cả tâm nhĩ và tâm thất bị tê liệt – PGS.TS Tạ Mạnh Cường cho biết.
Kiểm tra lại xét nghiệm ngay lập tức và đồng thời dùng tất cả các biện pháp, tất các các thuốc điều trị hạ kali máu mạnh nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất nếu có thể nhằm nhanh chóng thải trừ kali qua thận, qua ruột, đồng thời đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, duy trì huyết động, đảm bảo máu tưới cho não, cho tim và cho thận thì mới có thể có cơ may cứu sống người bệnh. Mặc dù nghĩ thế nhưng mọi người cũng không tin chắc là sẽ thành công do các thuốc có thể không kịp có tác dụng giúp cơ thể đào thải kali ra ngoài để giúp quả tim có thể hoạt động bình thường trở lại.
Mặc dù vậy, với tinh thần “còn nước còn tát”, hết lòng vì người bệnh, cứu chữa BN tới cùng, PGS.TS Tạ Mạnh Cường vẫn không rời mắt khỏi người bệnh và màn hình theo dõi bệnh nhân, những y lệnh của ông vẫn phát ra liên tục và sự thực hiện nhanh chóng, chính xác của các bác sĩ và y tá trong e kíp cấp cứu vẫn như một guồng máy đang vận hành hết công suất để kéo người bệnh từ cõi chết trở về: truyền bicarbonat, tiêm canxi tĩnh mạch nhắc lại nhiều lần, đặt ống thông dạ dày bơm thuốc gắp kali, tiêm thuốc lợi tiểu liều cao nhắc lại nhiều lần…
Kết quả điều trị cũng rất bất ngờ, sau 40 phút cấp cứu, kali máu hạ xuống còn 7,4 mmol/l: vẫn còn quá cao, vẫn còn rất nguy hiểm đối với người bệnh nhưng rõ ràng là kali máu đã hạ xuống một cách rất ngoạn mục với cách thức điều trị nói trên và lúc này niềm hy vọng lại được nhân lên không những đối với BN mà còn đối với tất cả những người tham gia cấp cứu người bệnh. Lúc này BN đã có dấu hiệu kích thích, đồng tử đã có phản xạ và tim vẫn được đập đều theo máy tạo nhịp và mọi người hết sức vui mừng. BN tiếp tục được tiêm thêm canxiclorua vào tĩnh mạch, tiêm thuốc lợi tiểu furosemid và bơm kalimate vào dạ dày qua ống thông… Lúc này BN đã có nước tiểu và sau 2h cấp cứu, kali máu của BN xuống còn 5,7 mmol/l. Tim đã có nhịp đập tự nhiên và huyết áp đã đo được. Kết quả xét nghiệm sinh hóa đầy đủ sau đó cho thấy, BN bị suy thận cấp rất nặng (creatinin máu 374 micromol/l) và trên siêu âm tim thấy van hai lá bị hẹp rất khít, phương pháp lọc máu ngoài thận được thực hiện…
Sau 2 lần lọc máu và hỗ trợ hô hấp bằng thở máy trong 3 ngày, BN đã tự thở được và suy thận đã đỡ đi nhiều. Hiện tại BN đã ổn định và đang được xem xét phẫu thuật thay van hai lá…
Không tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc
Trò chuyện với BN T. tại phòng bệnh, ông T. cho biết, trước khi phải vào cấp cứu tại Viện Tim mạch, ông T. đang dùng thuốc tây y điều trị bệnh lý hẹp van tim theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, gần đây ông T. xuất hiện thêm tình trạng đau khớp nên đã tự ý đi mua thuốc nam của một người dân tộc mang về uống. Sau gần một tháng, ông T. cảm thấy người rất mệt mỏi, ăn uống kém, tiểu ít, ý thức giảm dần. Khi đi khám tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ cho biết nhịp tim của ông chậm, chỉ 40 lần/phút và được chuyển tới Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai điều trị. Khi vào đến viện thì BN rơi vào tình trạng suy gan, suy thận cấp, tăng kali máu bất thường, sắp ngừng tim…
Các bác sĩ cho biết, rất có khả năng do BN tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài lại dùng chung với thuốc tây y. Tình trạng suy tim có thể nặng lên khi BN uống nhiều nước, một số thành phần trong thuốc nam có thể tương tác với các thuốc tây y. Những tương tác thuốc này hết sức phức tạp mà lại không được sự xem xét, theo dõi của bác sĩ là một điều hết sức nguy hiểm cho người bệnh.
Dùng thuốc Đông y hay Tây y đều rất cần có sự tư vấn, theo dõi của thày thuốc. Kết hợp điều trị bằng thuốc Đông y và Tây y trong nhiều bệnh lý rất có hiệu quả, tuy nhiên muốn có hiệu quả, người bệnh cần được người thầy thuốc chỉ định điều trị và theo dõi trong quá trình điều trị. Tuân thủ những lời dặn dò của thầy thuốc là một điều hết sức quan trọng đối với người bệnh – PGS.TS Tạ Mạnh Cường nhấn mạnh.
Các rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp chậm khi xảy ra cần nghĩ đến tăng kali máu mà nguyên nhân thường gặp là suy thận cấp. Điều này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân và tìm mọi cách để hạ nồng độ kali đang tăng cao trong máu là chìa khóa trong việc duy trì sự sống còn của người bệnh. Trong những hoàn cảnh hiểm nghèo không thể tưởng tượng được đã xảy ra, đôi khi người bệnh và bản thân những người thầy thuốc cũng có thể làm nên những điều không tưởng nếu nắm vững chuyên môn và có trái tim thật ấm – PGS.TS Tạ Mạnh Cường chia sẻ.
Nguồn suckhoedoisong.vn