Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Làm gì khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Điều đáng nói, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời. Vậy phải làm gì khi mắc căn bệnh nguy hiểm này?

Tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng gia tăng

Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người mắc COPD thường có triệu chứng ho khạc đờm. Ban đầu đờm ít và loãng, sau nhiều, đặc hơn, giai đoạn cuối có thể đổi màu và có mủ. Thêm vào đó, người bệnh cũng thấy khó thở, người mệt mỏi. Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như viêm họng mạn, viêm phổi... nên nhiều người bệnh chủ quan và không đi khám. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí dẫn tới tử vong.

GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra lưu ý, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Thế nhưng, việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị. Không chỉ ở người cao tuổi mà bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, kể cả trẻ em. Những yếu tố nguy cơ gây COPD có thể kể đến như hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài (80 - 90% nguyên nhân gây bệnh); ô nhiễm môi trường ngoài trời; ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hóa chất hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản...

Những sai lầm trong điều trị

COPD là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, do là bệnh phải điều trị kéo dài suốt đời nên việc điều trị gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những người cao tuổi - nhóm tuổi thường hay “nhớ nhớ quên quên” và hay nhầm lẫn giữa các loại thuốc.

PGS.TS Chu Thị Hạnh cho rằng, có tỷ lệ lớn bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát. Thậm chí, khi ho, khó thở, tức ngực, nhiều bệnh nhân lập tức nhập viện và được chỉ định dùng thuốc. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 1 tháng, bệnh tình đỡ hơn thì họ lại tự ý ngưng dùng thuốc và cũng không đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc không tuân thủ điều trị, không sử dụng thuốc đúng cách khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn - giai đoạn bệnh nặng sẽ đến nhanh hơn. Đây là những sai lầm thường thấy ở nhóm người cao tuổi khi mắc COPD. Vì vậy, bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, những người mắc bệnh COPD đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào từ khi còn trẻ nhưng họ lại không nhận thức được tác hại của thói quen này. Họ chỉ cho rằng, hút thuốc chỉ liên quan đến ung thư phổi chứ không biết đây cũng là căn nguyên dẫn đến bệnh COPD. Do đó, mọi người, nhất là những người cao tuổi, nên đi khám ngay nếu thấy ho kéo dài, có đờm và khó thở khi lao động nặng để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

Nhận thức đúng để phòng, chống

Để phòng ngừa bệnh COPD, bác sĩ Nguyễn Phương Anh khuyến cáo, nam giới không nên hút thuốc lá, thuốc lào, còn trẻ em, phụ nữ nên tránh bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với khói thuốc. Riêng với người cao tuổi đã mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại. Ngoài ra, mỗi người nên tạo cho mình thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Còn với người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30 - 60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...

Còn theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần phải có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Riêng với người cao tuổi bị COPD nên tuân thủ việc uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ. Với những người cao tuổi mắc nhiều bệnh cùng một lúc, cần chủ động hoặc nhờ con cháu sắp xếp tủ thuốc riêng và nên ghi lại từng loại thuốc, giờ uống, liều lượng để tránh nhầm lẫn giữa các loại thuốc.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần chú ý đến chế độ ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trên 25% số người mắc COPD bị suy dinh dưỡng, vì khi ăn họ dễ cảm thấy mệt (do lồng ngực bị căng lên làm thể tích khoang bụng giảm) và khó thở nên chán ăn và ăn ít, dẫn tới suy dinh dưỡng. Do vậy, chế độ ăn của người cao tuổi cần chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng đồ ăn thức uống gây đầy hơi hoặc có chất kích thích.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image