Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

LẦN ĐẦU TIÊN, CHỦ TỊCH HỘI ĐỘT QUỴ THẾ GIỚI ĐẾN THĂM VÀ HỖ TRỢ HỢP TÁC CHUYÊN MÔN VỚI BỆNH VIỆN BẠCH MAI 

Chiều 29/2, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, Giáo sư Jeyaraj Durai Pandian - Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Christian, Ludhiana; Tổng biên tập Tạp chí “Stroke Journal of Medicine” cùng với đại diện chương trình Angels đã có chuyến thăm và làm việc với Bệnh viện Bạch Mai.

Tiếp đoàn có PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Ths. Nguyễn Thị Hương - Chánh văn phòng bệnh viện; PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, PGS.TS Võ Hồng Khôi - Giám đốc Trung tâm Thần kinh; TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 và lãnh đạo một số đơn vị liên quan…


 

Chia sẻ với đoàn công tác, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết: Trung tâm Đột quỵ ra đời chưa được 3 năm nhưng hàng ngày đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng chuyển đến. Những bệnh nhân này đều được điều trị hiệu quả bởi chúng tôi có đầy đủ các giáo sư, bác sĩ chuyên gia đầu ngành của tất cả các chuyên khoa sâu. Đó là sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong bệnh viện để hoạt động điều trị đạt hiệu quả tối ưu như Chẩn đoán hình ảnh xử trí lấy huyết khối; Trung tâm Đột quỵ áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết; Nếu không áp dụng được nội khoa thì chúng tôi có các phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm của Khoa Phẫu thuật Thần kinh. Sau khi bệnh nhân hồi sức tại Trung tâm Thần kinh thì sẽ được Trung tâm Phục hồi chức năng hỗ trợ luyện tập để người bệnh tái hòa nhập cuộc  sống… Vòng tròn khép kín với các chuyên gia đầu ngành, các thầy là trưởng bộ môn của Trường Đại học Y Hà Nội giúp cho công tác điều trị người bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Viện Tim mạch Quốc gia nằm trong Bệnh viện Bạch Mai cũng là điểm mạnh để phối hợp điều trị cũng như dự phòng cho người bệnh.

Giáo sư Jeyaraj Durai Pandian chia sẻ : Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) là tổ chức toàn cầu hoạt động dựa trên 4 tiêu chí: Chuẩn hóa, đào tạo, cộng đồng, kiểm soát chất lượng.
Tổ chức rất coi trọng cấp cứu trước viện, một trong những yếu tố nòng cốt rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị. WSO làm việc với các nhà làm chính sách, cơ quan chính phủ để tạo điều kiện tốt nhất cho cấp cứu, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ. WSO lựa chọn những bệnh viện trọng điểm với thế mạnh điều trị đột quỵ để làm mô hình điểm và nhân rộng mô hình.


 

WSO có những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ dành cho các bác sĩ (chương trình 6 tháng). WSO cũng tài trợ chương trình trao đổi bác sĩ và điều dưỡng giữa các bệnh viện trong mạng lưới của WSO và chương trình đào tạo bác sĩ trẻ trong khu vực ASKAN fellowship 1 năm, kinh phí có thể hỗ trợ tối đa 2-3 bác sĩ thần kinh. WSO còn có hội đồng nghiên cứu WSO, trong đó các nước đang phát triển được ưu tiên hỗ trợ. Chúng tôi có thể hỗ trợ viết khung tài trợ và hướng dẫn. Bên cạnh đó, mạng lưới GAIN là mạng lưới toàn cầu, sẽ có hội nghị toàn cầu vào tháng 10 tới. Các bác sĩ từ Việt Nam có thể sang tham dự và trình bày một số kết quả nghiên cứu.

Đồng hành cùng hội Đột Quỵ Việt Nam là chương trình Angels của công ty Boehringer Ingelheim. Đây là chương trình phi lợi nhuận toàn cầu phối hợp với hội Đột quỵ thế giới nhằm hỗ trợ tối ưu hóa quy trình cấp cứu Đột Quỵ tại các bệnh viện trên toàn thế giới. Tại Việt Nam chương trình đã triển khai từ năm 2017 và đang hợp tác với hơn 100 bệnh viện trên cả nước. Cùng với các công cụ như túi Đột Quỵ, các bảng kiểm, các khoá huấn luyện đào tạo cho các bác sỹ và điều dưỡng chương trình Angels mong muốn sẽ có thêm nhiều bệnh nhân Đột Quỵ được cấp cứu trong giờ vàng.


 

Sau khi làm việc và thăm quan Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Jeyaraj Durai Pandian, chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới bày tỏ ấn tượng về hệ thống cấp cứu đột quỵ tại Việt Nam. Theo ông mặc dù Ấn Độ có dân số khá đông nhưng Trung tâm Đột quỵ tại Ấn Độ của ông cũng chỉ tiếp nhận 2.000 - 3.000 ca mỗi năm. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 10.000 bệnh nhân mỗi năm. Ông cho rằng đội ngũ y bác sĩ đã làm việc rất nỗ lực và luôn sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hơn nữa, Bệnh viện cần phải mở rộng diện tích cũng như số giường bệnh, đào tạo bác sĩ, nâng cấp công nghệ trong điều trị đột quỵ.

Buổi làm việc kết thúc và đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển cũng như cơ hội đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Bạch  Mai./.

Diệu Hiền - Thành Dương
  
 
 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image