Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Mối tình buồn và một cái kết nở hoa

Một mối tình được đơm hóa kết trái bằng 1 sinh linh bé nhỏ. Nhưng gần đến ngày sinh linh ấy chào đời, người cha lại rũ bỏ vì mẹ bé bệnh trọng, nhà nghèo, không công ăn việc làm. Đó là  câu chuyện về sản phụ Nguyễn Thị Ng, 25 tuổi (đã mổ thay van 2 lá cách đây 4 năm) nhập viện với chẩn đoán kẹt van nhân tạo khi đang mang thai 32 tuần. 

Mối tình buồn của cô gái nghèo

Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo với 9 anh em, Nguyễn Thị Ng lớn lên và cũng không có cơ hội được học nhiều. Nghỉ học sớm, Ng đi làm giúp việc gia đình kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 21 tuổi, Ng mắc bệnh và đã phải phẫu thuật thay van tim nhân tạo. Như duyên trời định, Ng cũng có được tình yêu như bao người con gái khác. Khi tình yêu được đơm hoa kết trái bằng 1 sinh linh bé nhỏ và Ng đã quyết tâm bảo vệ thai nhi... Khi thai nhi được 32 tuần tuổi, van tim cơ học của Ng bị kẹt lại do huyết khối hình thành… 

Đó cũng là lúc người yêu rũ bỏ áo ra đi. Bà mẹ đơn thân lại quay trở về nương thân bên mẹ già 72 tuổi trên mảnh đất miền Trung sỏi đá, chờ đến ngày sinh nở. 

Cái thai lớn dần đồng nghĩa với việc khó thở của Ng. ngày một tăng thêm. Gia đình đưa Ng. vào bệnh viện (BV) tỉnh và lập tức được chuyển lên Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

18 ngày “cân não” để chào đón thiên thần bé nhỏ

TS.BS. Phạm Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng C2 Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sản phụ bị bệnh lý thấp tim đã thay van 2 lá nhân tạo tại BV địa phương cách đây 4 năm. Bệnh nhân (BN) vẫn uống thuốc đều đặn, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe ở BV tỉnh. Tuy nhiên đến tuần thai thứ 32, BN đột nhiên xuất hiện khó thở, khó thở tăng dần khi đi lại. BN đến khám tại BV địa phương, kết quả siêu âm chẩn đoán kẹt van nhân tạo do huyết khối ở tuần thứ 32 của thai kỳ, sản phụ được chuyển đến Viện Tim mạch. Tuy nhiên tại đây, các bác sĩ nghe thấy tiếng van nhân tạo còn khá rõ, phổi nghe bình thường, không có tiếng ran ẩm, huyết áp không thấp, tình trạng khó thở lúc này vẫn chưa đến mức dữ dội hoặc phù phổi cấp, siêu âm tim thấy mức độ chênh áp qua van nhân tạo không quá cao như các ca bệnh kẹt van tim do huyết khối nặng khác mà cần phải mổ cấp cứu ngay, mặc dù vậy, diễn biến nặng lên cũng là điều khó lường. Tuy nhiên nếu mổ thay van tim cho sản phụ thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi, mà nếu mổ lấy thai trước khi mổ thay van tim cho mẹ thì có thể thai nhi chưa thực sự trưởng thành, mặc dù về mặt lý thuyết và thực tế, sự phát triển của y học hiện nay vẫn có thể nuôi dưỡng được những trẻ sơ sinh thiếu tháng và thiếu cân nặng như thế, nhưng dù sao, nếu thai nhi được ở trong buồng tử cung của mẹ thêm 1-2 tuần nữa thì vẫn tốt hơn cho trẻ sau sinh. Lúc này trọng lượng thai đo được trên siêu âm thai khoảng 1,5-1,7kg…

Bn Ngoan

Niềm vui của bệnh nhân Ng. trong ngày được ra viện

Trước tình huống này, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám tỉ mỉ, hội chẩn và cân nhắc mọi điều hơn thiệt đối với sản phụ và thai nhi. Một quyết định rất táo bạo đã được đưa ra: tiếp tục chống đông máu hiệu quả đối với mẹ, mục đích không để huyết khối tiếp tục hình thành trên van tim, ít nhất là duy trì tình trạng van tim của mẹ không bị huyết khối bám thêm, huyết khối cũ không gây ra biến cố với mẹ, tranh thủ thời gian này để thai phát triển và hoàn thiện thêm, sẽ cố gắng mổ lấy thai ở tuần thứ 34 của thai kỳ và sau đó thay van tim cho mẹ, tuy nhiên trong quá trình theo dõi, nếu tình hình xấu đi thì phải có ngay phương án đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con…

“Rất may mắn, trong suốt khoảng thời gian theo dõi và điều trị, tình trạng BN khá ổn định, khó thở vừa phải, chênh áp qua van tim trên siêu âm Doppler tim không quá cao, thai nhi phát triển bình thường và có tăng cân. Hàng ngày bệnh nhân được truyền thuốc chống đông máu Heparin theo đường tĩnh mạch và bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ về xét nghiệm đông máu… Thế nhưng việc gì đến rồi cũng sẽ đến… Sang đến ngày thứ 17 của quá trình theo dõi – cũng là lúc thai nhi bước sang tuần thứ 35 tuần, khoảng 12 giờ trưa, sản phụ đột ngột khó thở nhiều lên, tim đập nhanh và siêu âm tim thấy chênh áp qua van nhân tạo tăng 4-5 lần so với ngày hôm trước. Sau khi nhận được báo cáo về tình trạng bệnh nhân, PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng đã chỉ đạo chuyển sản phụ ngay đến Phòng Cấp cứu Tim Mạch C1, dùng thuốc trung hòa thuốc chống đông máu trong người sản phụ và liên hệ với PGS.TS. Phạm Bá Nha, trưởng khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai để mổ lấy thai ngay trong chiều ngày hôm đó: một bé gái khỏe mạnh, nặng 2,2kg đã chào đời trong niềm vui hân hoan của gia đình và các nhân viên y tế... Khi tính mạng của sản phụ đã tạm thời an toàn, sản phụ được chuyển về Viện Tim mạch để tiếp tục hồi sức, chuẩn bị cho cuộc mổ thay van tim nhân tạo bị huyết khối gây kẹt vào ngày hôm sau tại Đơn vị Phẫu thuật Tim Mạch thuộc Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai do TS. Dương Đức Hùng làm trưởng Đơn vị… Và rất vui mừng, chỉ một tuần sau mổ, BN đã khỏe mạnh và xuất viện về với con nhỏ” - TS. Phạm Tuyết Nga chia sẻ…

Nói về ca bệnh này, PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, trước đây các bác sĩ Viện Tim mạch đã điều trị cho nhiều sản phụ kẹt van tim, tuy nhiên đa số các ca bệnh đều phải phẫu thuật thay van tim sớm chứ không kéo dài được như sản phụ này…

“Mặc dù nhìn trên siêu âm, van tim nhân tạo của người mẹ đã bị kẹt nguy hiểm đến thế nhưng dường như người mẹ lại “chấp nhận” được cái van bị kẹt như vậy. Lẽ ra dòng máu chảy qua van rất xiết trên siêu âm Doppler tim nhưng xem ra lại thấy không xiết lắm; và lẽ ra người mẹ sẽ phù phổi, thở hổn hển nhưng lại không đến mức như vậy. Trong tình huống như vậy khiến chúng tôi đi đến quyết định trì hoãn phẫu thuật vì nếu mổ lấy thai sớm quá thì cũng có thể có những rủi ro, khiếm khuyết về sức khỏe cho bé. Đây thật sự là một cuộc đấu trí cam go và cân não của người thày thuốc và trong mọi trường hợp không được phép sai lầm… Duy trì an toàn được cho cả sản phụ và thai nhi từ 32 đến 35 tuần, trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ mổ thay van tim thành công là một điều hiếm gặp…”- PGS. Tạ Mạnh Cường phân tích…

Và cái kết nở hoa

Trở lại gia cảnh nghèo của sản phụ Ng., để đưa con gái và cháu ngoại tương lai đi Hà Nội, người mẹ già 72 tuổi dồn hết thóc đi bán cũng vỏn vẹn được 13 triệu đồng. Vừa lo chữa bệnh, vừa lo giúp người bệnh xoay sở thêm chi phí điều trị còn thiếu. PGS.TS. Tạ Mạnh Cường đã liên hệ với Phòng Công tác xã hội BVBM để tìm cách trợ giúp viện phí và tâm lý cho sản phụ Ng. Trước gia cảnh éo le của gia đình sản phụ, BSCKII. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo các thành viên trong phòng huy động tìm nguồn tài trợ cho mẹ con sản phụ Ng. 

Là một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt tuyến cuối, nên Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có các ca bệnh trọng, nhà nghèo, gia đình neo đơn hoặc chính sách. Trung bình mỗi tháng Phòng Công tác xã hội phải kêu gọi khoảng gần 600 triệu để hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo. Với gia cảnh của Ng, Phòng Công tác xã hội đã kết nối được với chị Nga, Công ty TNHH NSJ đứng ra bảo lãnh chi trả toàn bộ số tiền viện phí còn thiếu cho Ng.

Ngày mẹ con Ng. được bác sĩ thông báo đủ sức khỏe để ra viện cũng là ngày Phòng CTXH đưa chị Nga đến trao 20 triệu và nói với Ng: "về rồi có gì khó khăn quá thì alo cho chị nhé, nhưng phải giữ gìn sức khoẻ để còn nuôi con em ạ, công sức của bao người mới có ngày hôm nay".

Niềm vui được ra viện, niềm hạnh phúc của bác sĩ và sự hoan hỉ của nhà hảo tâm lắng đọng trong đôi dòng nước mắt của Nguyễn Thị Ng. Trong rưng rưng xúc động, bà mẹ trẻ Ng. chỉ biết bộc bạch lời cảm ơn sâu sắc từ đáy lòng đến với tập thể bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và các nhà hảo tâm đã tận tâm chăm sóc, điều trị và đùm bọc gia đình em./.

Đỗ Hằng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image