Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mặt trái của 4 loại thực phẩm quen thuộc

Khoai tây, sắn, sò huyết là những thực phẩm quen thuộc song, nếu chế biến không đúng cách, chúng có thể khiến bạn gặp nguy hiểm.

1. Khoai tây

Theo New York Times, khoai tây chứa chất solanine, một loại chất độc tự nhiên có thể  ngộ độc khiến người bệnh nôn mửa, tiêu chảy, tim ngừng đập, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng.

PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế) cũng khuyến cáo tuyệt đối không ăn khoai tây đã mọc mầm hoặc củ khoai có màu xanh vì có chứa solanine.

Giải thích về chất độc này, PGS Đáng cho biết, khi quá già, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường.

Từ đó sẽ biến đổi thành các alcaloit gọi là solanine và chaconine-alpha. Chúng thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây cũng như khu vực vỏ màu da xanh lá cây của củ.

Theo nghiên cứu, solanin phân bố trong mầm và chân mầm khoai tây là 420-730 mg/100 g, trong vỏ 30-50 mg/100 g, trong ruột từ 4-7 mg/100 g.

“Nếu nhiễm độc thể nhẹ, bệnh nhân bị chảy nước dãi, nôn, đau bụng. Ở thể nặng, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sùi bọt mép, hôn mê, co giật và tử vong ngay lập tức”, PGS Khuyến cáo.

Do đó, chúng ta tuyệt đối không nên ăn khoai tây khi đã mọc mầm, ngoài ra, nhiều người vì tiếc rẻ nên dùng cách gọt bỏ phần mầm song chuyên gia cho rằng về cơ bản, cách này không thể loại bỏ hết solanine có trong củ khoai.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198, cũng cho rằng chị em nội trợ nên vứt bỏ củ khoai đã mọc mầm hoặc chuyển sang màu xanh.

Nếu bạn thường xuyên ăn, chất độc sẽ tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng hoặc tạo thành các bệnh nguy hiểm cho cơ thể.

2. Cây đại hoàng

Theo Business Insider, loài cây này là một dược liệu trong Đông y.

Thân cây chứa nhiều axit oxalic - một chất hóa học trong thuốc tẩy và sản phẩm chống gỉ. Nếu ăn phải axit oxalic, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát cổ họng, nôn mửa, co giật, thậm chí tử vong.

Theo nghiên cứu từ Đại học Hampshire, một người phụ nữ 60 kg sẽ bị ngộ độc axit oxalic nếu ăn khoảng 4,5 kg lá đại hoàng.

Về thông tin này, PGS Trần Đáng cũng khẳng định trong tự nhiên, cây đại hoàng có độc tính gây nguy hiểm đến sức khỏe.Theo vị chuyên gia, chúng ta không nên dùng loại cây này.

mat-trai-cua-4-loai-thuc-pham-quen-thuoc.jpg
Cây đại hoàng 

3. Cây sắn

Sắn là loại cây lương thực quen thuộc ở Việt Nam, các vùng đất châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Lá và củ khoai mì tươi chứa chất cyanogen - hóa chất kích thích sự hình thành xyanua, một chất độc gây tử vong cho người và gia súc.

Khi được nấu chín, sắn không còn độc tố. Tuy nhiên, trong quá trình sơ chế bạn không nên nếm và nhớ rửa sạch nhựa khoai mì bám trên tay, dao, thớt để không nhiễm phải chất độc.

Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc sắn.

Gần nhất là cuối năm 2014, một bệnh nhi (ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng hôn mê, lạnh toàn thân, co giật, phải thở máy vì suy hô hấp rất nặng.

Những biểu hiện này xuất hiện sau 30 phút ăn sắn nướng. Do được cấp cứu và đặt nội khí quản kịp thời nên bệnh nhi đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Về điều này, PGS Trần Đáng cho biết, trong sắn có chứa axit cyanhydric (HCN) có độc tính tương đối cao, gây ngạt và thiếu oxy tế bào. HCN chủ yếu tồn tại trong lá, vỏ cây và củ.

Biểu hiện của ngộ độc sắn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn với các biểu hiện rối loạn thần kinh, váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, run, co giật.

“Axit cyanhydric là chất độc nhưng dễ hòa tan trong nước và bay hơi khi đun sôi. Do đó, để tránh ngộ độc, người ta phải cẩn thận bóc vỏ sắn, ngâm nước trước khi luộc, đồng thời mở vung khi sôi. Tuyệt đối không ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ.

Đó là cách xử lý với sắn tự trồng. Riêng sắn mọc hoang ở những vùng có cây độc, chúng ta càng phải cẩn thận hơn”, PGS Trần Đáng khuyến cáo.

4. Sò huyết

Sò huyết thịt có màu đỏ tươi, là món cường dương, bổ huyết rất được ưa chuộng. Khi ăn, người ta chỉ hấp sơ hoặc nướng sơ nên các vi khuẩn, siêu vi gây bệnh vẫn có thể tồn tại.

Ăn sò huyết nấu chưa kỹ có thể nhiễm vi khuẩn viêm gan A (hepatitis A virus) và mắc bệnh truyền nhiễm như dịch tả, thương hàn.

Xác định thông tin này, PGS Trần Đáng, cho biết sò huyết không độc nhưng nếu sống trong những vùng nước nhiễm khuẩn, chúng có thể gây ngộ độc cho người ăn với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

anh1-1-1441956721315-34-0-264-450-crop-1441956852248.jpg
Sò huyết 

“Sò huyết có thể nhiễm 5 loại chất độc, gồm chất gây liệt cơ, tiêu chảy, rối loạn thần kinh, suy cơ quan lục phủ ngũ tạng và loại gây dị ứng.

Do đó, khi dùng sò huyết, bạn cần nấu chín và tuyệt đối không ăn loại hải sản này khi còn sống, tái”, PGS Trần Đáng cho hay. 

Nguồn soha.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image