Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mệt mỏi do nắng nóng, tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch

Miền Bắc đang phải đối mặt với những ngày nắng nóng oi bức khó chịu. Nhiệt độ ngoài trời đã có thời điểm lên tới 38-39 độ C, khiến nhiều người mệt mỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị mệt do nắng nóng. Nên bù nước bằng con đường ăn uống như nước chanh muối hay mơ muối khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi chứ không tự ý truyền dịch

Nguy cơ sốc phản vệ khi truyền dịch vô tội vạ

Nắng nóng kéo dài, cơ thể dễ mệt mỏi, uể oải khiến nhiều người nghĩ ngay tới việc truyền dịch (muối biển) để lấy lại sức. Anh Đinh Công Văn, sống tại Cầu Giấy, làm công việc chuyên ship hàng cho khách. Cả ngày chạy xe dưới cái nắng 38-39 độ khiến anh thấy người mệt mỏi chẳng muốn ăn gì. Những lúc như vậy, anh thường ra tiệm thuốc mua một chai truyền dịch và nhờ người bán thuốc truyền giúp. Anh cho biết, mỗi lần truyền dịch xong cảm thấy người khỏe mạnh, tỉnh táo hơn, có sức làm việc tiếp.

PGS.TS Phạm Duệ, Bác sĩ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: “Có một số trường hợp người dân đi làm nặng nhọc về thấy mệt và tự ý truyền dịch để cơ thể khỏe hơn”. Tuy nhiên theo khuyến cáo của PGS.TS Phạm Duệ, hành động tự ý truyền dịch tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường.

Dịch truyền thường có nhiều loại và tác dụng của chúng cũng khác nhau. Hiện nay, dịch truyền được dùng phổ biến nhất là loại cung cấp đường, muối, chất điện giải và loại cung cấp năng lượng, dinh dưỡng.

Tại bệnh viện, việc truyền dịch hay không phải do sự chỉ định của bác sĩ. Sau khi bác sĩ tiến hành đo huyết áp, nhịp tim, phổi, tìm hiểu cơ địa, thậm chí có trường hợp phải làm xét nghiệm máu… rồi mới truyền dịch. Trong quá trình truyền dịch luôn phải có nhân viên y tế theo dõi.

“Người dân thấy trong người mệt mỏi, thậm chí là ốm, sốt thì hay nghĩ ngay tới việc truyền dịch mà không biết nó có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ cả tính mạng nếu truyền dịch không đúng chỉ định, không đúng chủng loại, tốc độ cũng như không được theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời một cách chính xác các biến chứng”, PGS.TS Phạm Duệ nói.

Ví dụ bệnh nhân thiếu điệu giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng và có nguy cơ phù não do máu bị loãng hay như đang thừa natri mà truyền muối quá nhiều thì có nguy cơ teo não… Truyền dịch bừa bãi thiếu cân nhắc, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ rối loại chuyển hóa do đưa một lượng lớn nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng vào cơ thể, dễ gây ra các hiện tượng phù tim, thận.

PGS.TS Phạm Duệ cảnh báo: “Đã có trường hợp người truyền dịch bị sốc phản vệ do tốc độ truyền quá đột ngột hoặc có cơ địa dị ứng với thành phần trong dịch. Triệu chứng sốc phản vệ dễ nhận thấy là người bệnh sẽ có cảm giác rét run, sắc mặt tím nhợt, đổ nhiều mô hôi, khó thở… Những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời nguy cơ tử vong rất cao”.

Tuyệt đối không tự ý mua dịch về truyền

Theo PGS.TS Phạm Duệ, các trường hợp lao động nặng nhọc ngoài trời thường mất nước nhiều, thấy người mệt mỏi. Trường hợp này nên bù nước bằng con đường ăn uống như nước chanh muối hay mơ muối... khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

“Đối với những trường hợp ốm sốt, đau đầu, chán ăn… do nắng nóng, người dân nếu muốn truyền dịch thì cần phải đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn loại dịch thích hợp nhất. Bất cứ hành động tự ý truyền dịch nào đều tiềm ẩn nguy hiểm chết người như tôi đã nói ở trên”, PGS.TS Phạm Duệ nói.

Các trường hợp thường được chỉ định truyền dịch là khi bị ngộ độc thức ăn, nôn và tiêu chảy quá nhiều, sốt cao và nôn nhiều gây mất nước, tụt huyết áp, người bệnh không thể ăn… còn các trường hợp người mệt mỏi thì không nhất thiết phải truyền dịch.

Nguồn Xaluan.com 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image