Chuyển biến tích cực
Là một người dân sống gần khu vực Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội từ nhỏ, nên tôi không còn lạ lẫm gì với cảnh chen chúc tấp nập, hàng quán giăng như mắc cửi, cãi nhau tùm lum và dàn xe ôm khiến xe cấp cứu cũng phải... đợi. Tình trạng càng căng thẳng cho đến cách đây vài năm khi lượng người đổ về đây để khám chữa bệnh tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, khi quan sát khu vực trước cửa Bệnh viện Việt Đức trên phố Phủ Doãn, trong dòng người tấp nập ra vào bệnh viện, luôn nổi bật sắc áo cảnh phục màu xanh lá mạ quen thuộc của chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ.
Chốt trực tại Bệnh viện Việt Đức là một trong các chốt trực được triển khai tại 9 bệnh viện vốn được coi là điểm nóng về tình hình AN, TT gồm Bệnh viện Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ở mỗi chốt trực này đều có 3 chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp - Công an TP. Hà Nội. Theo kế hoạch đã được Ban Giám đốc Công an thành phố phê duyệt, Phòng Cảnh sát bảo vệ sẽ bố trí 3 ca trực, thời gian bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc ca cuối vào 22 giờ 30 hàng ngày.
Một trong những khu vực được các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo vệ tại các bệnh viện đặc biệt quan tâm, đó là khu vực thu viện phí. Những đối tượng trộm cắp, móc túi thường tìm cách tiếp cận khu vực này bởi trong lúc người dân chuẩn bị tiền để thanh toán viện phí thường có nhiều sơ hở nên các đối tượng dễ ra tay hành động. Trong thời gian buổi sáng, tình hình ở khu vực này khá yên ổn.
Theo nhận xét từ người dân xung quanh và bệnh nhân điều trị lâu dài tại Bệnh viện Việt Đức, từ ngày có thêm chốt Cảnh sát bảo vệ đặt tại bệnh viện, lực lượng bảo vệ đặt tại bệnh viện, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Tình hình AN, TT đã được cải thiện đáng kể, có màu áo của lực lượng công an, tình trạng trộm cắp, các loại “cò” không còn dám chèo kéo ngang nhiên như trước.
Những chuyển biến tích cực cũng diễn ra tương tự ở khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Hiện nay, cổng bệnh viện đã thông thoáng hơn rất nhiều, không còn tình trạng xe taxi, xe ôm dàn hàng 2, hàng 3 để chèo kéo khách gây mất trật tự an toàn giao thông như trước đây.
Với Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng vậy, ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc đã đánh giá môi trường làm việc ở bệnh viện đã an toàn hơn, bệnh nhân cảm thấy yên tâm hơn khi Công an Hà Nội triển khai thêm lực lượng Cảnh sát bảo vệ chốt trực tại bệnh viện.
Theo ghi nhận, với việc thực hiện mô hình “cắm chốt” bảo vệ tại các bệnh viện, lực lượng Công an Hà Nội đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình AN, TT và trật tự an toàn giao thông tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội. Người dân giờ cảm thấy yên tâm hơn và không còn nơm nớp lo mỗi khi phải vào bệnh viện.
Sự phối hợp chặt chẽ
Để có những chuyển biến ấy là nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo bệnh viện và công an địa bàn. Vừa qua, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo AN,TT giữa Công an TP. Hà Nội với Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô. Qua gần một năm, Công an TP. Hà Nội xây dựng, thực hiện Quy chế phối hợp, triển khai Kế hoạch tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn công cộng, trong đó có các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, tình hình AN, TT tại các bệnh viện đã cơ bản được giữ vững, có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với trước đây.
Công an TP. Hà Nội và các bệnh viện trên địa bàn đã thiết lập, niêm yết công khai số điện thoại Đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các vụ việc mất AN, TT; kịp thời nắm tình hình, tham mưu với các cơ quan liên quan ngăn chặn thành công 3 cuộc kêu gọi tụ tập biểu tình trái pháp luật của các đối tượng cơ hội chính trị trước cửa các trụ sở y tế; truy xét, đấu tranh làm rõ 2 đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai, góp phần trấn an dư luận tại đỉnh điểm dịch Ebola; đã bắt giữ, xử lý 20 vụ “cò”, “mồi” gây mất trật tự công cộng tại các bệnh viện; tiến hành điều tra làm rõ 75 vụ trộm cắp tài sản tại các bệnh viện, 4 vụ lừa đảo, đã làm rõ, trả lại nhiều tài sản có giá trị cho người bị hại; bắt, xử lý 28 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy trước cổng các bệnh viện; xử lý kịp thời 92 vụ gây rối trật tự công cộng...
Công an thành phố đã rà soát và xác định có 15 bệnh viện lớn, trọng điểm trên địa bàn thành phố cần tăng cường công tác bảo vệ. Đặc biệt, Công an thành phố và Sở Y tế đã phối hợp chỉ đạo tốt các đơn vị trực thuộc tổ chức diễn tập thành công phương án cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu nạn nhân khi xảy ra tình huống tai nạn do chen lấn, xô đẩy trong đám đông, tổ chức thành công lễ xuất quân bảo vệ Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) và các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2015.
Bên cạnh đó, tình hình giao thông tại các khu vực trước và xung quanh bệnh viện đã đi vào ổn định, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông, tăng cường lực lượng vào các giờ cao điểm tại cổng bệnh viện, do đó đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, taxi đón trả khách tại khu vực cổng các bệnh viện, nhất là ở một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương... Ngoài ra, Công an thành phố đã chủ động nắm tình hình phát hiện, xử lý các hành vi cản trở các hoạt động khám chữa bệnh và công tác chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở y tế trực thuộc ngành y tế.
Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được; lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Công an TP. Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp, xử lý kịp thời các dấu hiệu phức tạp về an ninh chính trị ngay từ cơ sở. Rà soát, củng cố, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng công tác của lực lượng bảo vệ trong các bệnh viện, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; nghiên cứu bổ sung quy trình, quy chế bảo vệ ứng trực, duy trì ứng trực, tuần tra canh gác trong khuôn viên các bệnh viện... Chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý triệt để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động phạm tội, tệ nạn xã hội tại khu vực các cổng bệnh viện. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phong trào quần chúng tố giác tội phạm tại các bệnh viện... kiên quyết không để các đối tượng hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị trước cổng các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm, khám, chữa bệnh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân...
Đặc biệt, các đơn vị sẽ chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý triệt để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động phạm tội, tệ nạn xã hội tại khu vực cổng bệnh viện. Kiên quyết không để các đối tượng hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả các tổ công tác đảm bảo AN, TT của các đơn vị công an thành phố, công an các quận, huyện, thị xã tại các bệnh viện.
Về mặt tích cực là như vậy, song không thể không nói tới những tồn tại. Thời gian qua, tại các bệnh viện trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ côn đồ hoặc thân nhân người bệnh đập phá tài sản của bệnh viện, đánh trọng thương bác sĩ, nhân viên y tế, không ít các trường hợp trở thành nạn nhân của việc bạo hành đã tạo áp lực, tâm lý hoang mang, không yên tâm công tác, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh của nhân viên y tế. Bởi vậy, muốn duy trì tốt tình trạng AN, TT đòi hỏi nỗ lực liên tục từ mỗi bệnh viện, bởi đây là cả một quá trình không có điểm dừng.
Nguồn suckhoedoisong.vn