Ngày 10/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp đoàn công tác của Công đoàn Y tế Việt Nam do bà Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành đến giám sát việc thực hiện xây dựng môi trường bệnh viện không thuốc lá. Tiếp đoàn về phía Bệnh viện Bạch Mai có GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Hô hấp; BSCK II Đinh Thị Kim Liên, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng; TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp; Ths Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và lãnh đạo các đơn vị của Bệnh viện Bạch Mai…
Thay mặt bệnh viện, TS Nguyễn Mai Hồng, Phó chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đã báo cáo kết quả ba năm triển khai thực hiện môi trường bệnh viện không khói thuốc lá. Theo đó: 100% các đơn vị trong bệnh viện đã tham gia ký cam kết “Xây dựng môi trường cơ sở y tế không hút thuốc lá”; Đưa tiêu chuẩn cấm hút thuốc lá và tiêu chí kiểm tra hàng năm; Phổ biến nội quy phòng chống thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông qua các buổi họp Hội đồng người bệnh... Trong ba năm từ 2010 – 2012, toàn bộ 50 khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện và các địa điểm tập trung đông người đều có biển cấm hút thuốc lá và các bảng tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Trong khu vực điều trị của bệnh viện tuyệt đối không có hiện tượng hút thuốc lá...
Sau buổi giám sát thực tế trong bệnh viện, Bà Trần Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế Việt Nam phát biểu: Qua buổi khảo sát thực địa, có thể thấy Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thực hiện qua tuyên truyền giáo dục bằng các bảng biểu, áp phích và phát động thi đua trong bệnh viện. Đánh giá ở giai đoạn 1 có thể nói bệnh viện đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động không hút thuốc lá. Trong giai đoạn tiếp theo, mong rằng bệnh viện có các kế hoạch cụ thể để xây dựng bệnh viện hoàn toàn không khói thuốc.
KS Đỗ Trọng Tài, Trưởng phòng Hành chính Quản trị chia sẻ: Bệnh viện Bạch Mai một ngày có khoảng 15 nghìn lượt người ra vào, bao gồm: 2000 cán bộ công chức; khoảng 2000 lượt học viên; 4000 bệnh nhân ngoại trú; 3000 bệnh nhân nội trú, đi theo chăm sóc cho 3000 bệnh nhân nội trú tối thiểu mỗi người có 1 người nhà là 3000 người nhà, rồi khách đến thăm bệnh viện, thăm bệnh nhân, các nhân viên bảo vệ Cộng lực, nhân viên quét dọn vệ sinh Nam An do bệnh viện phải thuê thêm... Có thể nói hàng ngày, ra vào Bệnh viện Bạch Mai là một xã hội thu nhỏ với đủ mọi thành phần trong xã hội. Để quản lý, tuyên truyền, giám sát khoảng 15.000 con người là việc rất khó. Bệnh viện nên có phòng dành cho người hút thuốc lá, có biển chỉ dẫn rõ ràng để những người nghiện thuốc đến khu vực dành cho người hút thuốc lá.
GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ với đoàn công tác: Việc thực hiện môi trường y tế không khói thuốc là điều chúng tôi rất mong muốn, nhưng đúng là cần có một lộ trình và có sự tham gia của toàn xã hội. Từ việc tuyên truyền, giáo dục, vận động đến cưỡng chế... Chúng ta cần có và sử dụng Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ các hoạt động truyền thông, hỗ trợ tư vấn cai nghiện, trợ giá thuốc cai nghiện. Với giá thuốc hỗ trợ cai nghiện hiện nay, thuốc varenicline (Champix) giá một liều thuốc khoảng 6,5 triệu đồng/3 tháng thì cũng là gánh nặng cho người muốn cai thuốc.
Ở góc độ quản lý, bệnh viện đã và sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động: tổ chức sinh hoạt, hội thảo về tác hại của hút thuốc và các biện pháp hỗ trợ cai nghiện, nhắc nhở các cán bộ bệnh viện không được hút thuốc lá, hệ thống điều dưỡng trưởng nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong bệnh viện, Phòng Hành chính quản trị sẽ bố trí thêm các biển bảng không hút thuốc lá, bộ phận truyền thông đã và tiếp tục phát thanh truyền thông về không hút thuốc lá trong bệnh viện. Tuy nhiên để có một môi trường hoàn toàn không khói thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai thì cần có một lộ trình. Trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc hút thuốc chủ động và thụ động, vận động không hút thuốc lá, hỗ trợ người nghiện thuốc lá cai nghiện...