Sau hai tuần điều trị tích lực, cháu V.Đ.H (nam, 13 tuổi), học sinh trường THCS và PTTH Lômônôxốp, Hà Nội được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán "Hôn mê sau ngừng tuần hoàn" đã hoàn toàn hồi phục và được trở về nhà trong niềm hân hoan của gia đình, nhà trường và các thầy thuốc Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.
Theo lời kể của người thân, vào ngày 29/11/2019, trong khi đang chơi bóng đá ở sân trường, cháu H. bị sút quả bóng vào vùng bụng. Ngay sau đó cháu khó thở, mất ý thức và được đưa vào Bệnh viện Thể thao lúc 10 giờ 12 phút cùng ngày trong tình trạng ngừng tuần hoàn (ngừng thở, ngừng tim). Sau khoảng 35 phút được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim cháu đã đập lại. Cháu được chuyển tới Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu: Glasgow 3 điểm, tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng tử mắt hai bên đáp ứng kém. BN được bóp bóng qua ống nội khí quản và duy trì truyền adrenalin tĩnh mạch.
Ngày 13 tháng 12 năm 2019, đại diện gia đình cháu bé (bố Vũ Đình Long và mẹ Trần Thị Thanh) và đại diện trường THCS và PTTH M.V. Lômônôxốp (Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng và Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Hồng) tới thăm và cám ơn tập thể Khoa Cấp cứu và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tận tình cứu chữa cháu bé tai qua nạn khỏi.
Một cuộc hội chẩn khẩn cấp dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng khoa Cấp cứu cùng sự tham gia của TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn, TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. BS. Nguyễn Hữu Quân, BS. Nguyễn Tuấn Đạt, PGS.TS. Mai Duy Tôn, TS.BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9) và bác sĩ Khoa Nhi, Viện Tim mạch đã được tiến hành. PGS Chi và các chuyên gia đã thống nhất chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt (kỹ thuật làm lạnh cơ thể bảo vệ não) và các biện pháp hồi sức kỹ thuật cao để cứu bằng được cháu bé.
Cấp cứu bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt là kỹ thuật đã được thực hiện trên thế giới, được Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng, bởi nó làm tăng khả năng cứu sống và giảm di chứng tàn phế cho người bệnh. Tại Việt Nam, Khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện thành công kỹ thuật này từ đầu tháng 5/2015 và đã đem lại cơ hội sống cho hàng trăm bệnh nhân.
Tuy nhiên, với BN này mọi việc không hề đơn giản. Trong những ngày tiếp theo, BN liên tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim. Nhiều cuộc hội chẩn toàn viện đã được thực hiện ngay tại giường bệnh. Sang ngày điều trị thứ 5 - kết thúc kỹ thuật hạ thân nhiệt, mặc dù huyết áp vẫn còn phụ thuộc vào thuốc trợ tim nhưng BN đã có dấu hiệu tỉnh lại. BN được cai thở máy và rút ống nội khí quản.
Ngày 13 tháng 12 năm 2019, đại diện gia đình cháu bé (bố Vũ Đình Long và mẹ Trần Thị Thanh) và đại diện trường THCS và PTTH M.V. Lômônôxốp (Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng và Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Hồng) tới thăm và cám ơn tập thể Khoa Cấp cứu và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tận tình cứu chữa cháu bé tai qua nạn khỏi.
Cuối cùng, sau hai tuần điều trị, BN đã nói được, trí nhớ phục hồi. Ngày 15 tháng 12 năm 2019, cháu đã được ra viện về nhà đoàn tụ với gia đình trong niềm vui vỡ òa của tất cả các thầy thuốc nơi đây. Đó cũng thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tập thể các y bác sĩ Khoa cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai, của nhà trường và gia đình. Đây cũng là kết quả của sự phối hợp hiệu quả của các chuyên gia, chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai. Nó cũng minh chứng cho kết quả của sự phát triển chuyên môn kỹ thuật không ngừng vì người bệnh của Khoa Cấp cứu A9 nói riêng và Bệnh viện Bạch Mai nói chung.
Bài, ảnh: BS. Lương Quốc Chính