Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mù mắt vĩnh viễn vì ngộ độc paracetamol

Ngộ độc paracetamol đã được các chuyên gia chống độc cảnh báo từ rất lâu nhưng với cách dùng thuốc vô tội vạ như hiện nay thì nguy cơ ngộ độc paracetamol tiềm ẩn trong rất nhiều gia đình.
infonet_benh_nhan_mat.jpg 
Bệnh nhân đến khám mắt tại bệnh viện K 

Mờ mắt sau ngộ độc Paracetamol

Đến khám tại Bệnh viện Mắt trung ương khi đôi mắt đã bị hỏng gần như không nhìn thấy gì, bà Trương Thị Hải trú tại Thanh Hóa không hề biết rằng đó là hậu quả của lần bà bị ngộ độc Paracetamol. Bà Hải cho biết vài năm trước, một lần bà bị cảm cúm đã uống thuốc có thành phần của paracetamol.  Sau uống thuốc 1 giờ, bà bắt đầu buồn nôn, choáng váng, nhịp tim nhanh. Bà Hải được con cái đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Lúc ấy, các bác sĩ tiên lượng rất xấu vì bà bị ngộ độc nặng. Sau 1 tuần điều trị hồi sức tích cực, bà Hải may mắn thoát chết.

Nhưng từ đó đến nay bà cảm nhận mắt cứ mờ dần. Bà lại tưởng là bị lão nên mua kính lão về đeo nhưng không ăn thua. Mắt càng ngày càng mờ, nước mắt cũng khô dần. Bà Hải đi khám tại bệnh viện bác sĩ cho biết bị xơ hóa giác mạc và phải ghép giác mạc mới có thể nhìn thấy được.

Tuy nhiên, đến nay, bà Hải vẫn không ghép được giác mạc. Hàng tháng, bà đều được con cái đưa ra bệnh viện để kiểm tra nhưng tiến trình mờ mắt ngày càng nhanh. Bác sĩ cho biết giờ không thể can thiệp được gì vì bệnh đã tiến triển nặng.

Trường hợp của bé Nguyễn Thiện Minh trú tại Gia Lâm, Hà Nội cũng tương tự. Bé Minh bị mờ mắt dần. Khi bố mẹ đưa cháu vào bệnh viện mắt kiểm tra thị lực của cháu đã giảm 60%. Trước đó, bé đã bị ngộ độc paracetamol do uống thuốc hạ sốt phải điều trị hồi sức cấp cứu. Trường hợp của bé Minh cũng thế, bác sĩ Châu cho biết dù bé mới chỉ 10 tuổi nhưng các bác sĩ cũng không thể can thiệp giúp bé có thể nhìn sáng trở lại.

Khó có thể phục hồi

PGS Hoàng Thị Minh Châu - Khoa Kết Giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận trường hợp bị tổn thương thị giác sau khi ngộ độc paracetamol. Đa số các bệnh nhân bị ngộ độc pracetamol đều không rõ nguyên nhân vì sao dẫn đến thị lực giảm. Bác sĩ Châu cảnh báo điều này rất nguy hiểm bởi rất nhiều người bị ốm, bị cảm đã dùng thuốc cảm cúm dị ứng xong người bệnh không biết, khi dị ứng có thể ngứa mẩn, sốt, sốc phản vệ, có những bệnh nhân bị nặng cấp cứu được thì mắt đã hỏng. 

Tuy nhiên, PGS Châu cho biết hiện nay khi bị ngộ độc paracetamol bệnh nhân có thể bị ở các cấp độ khác nhau. Nếu bệnh nhân rơi vào hôn mê khi điều trị ở các khoa hồi sức cấp cứu không ai để ý đến mắt, lo cứu chữa cho bệnh nhân để bệnh nhân được cứu sống nhưng khi tỉnh dậy mắt không mở được nữa vì tác dụng của ngộ độc Paracetamol có thể làm hỏng niêm mạc, bong rộp các niêm mạc môi, miệng và ngay cả mắt cũng thế. 

PGS Châu cho biết nếu biết chăm sóc ngay từ đầu thì bệnh nhân đỡ hơn. Để qua lúc đó rồi thì rất khó có thể cứu vãn được, sẹo giác mạc cứ tiến triển, xơ giác mạc dần và gây mù mắt. Dù toàn thân đã khỏi nhưng mắt cứ khô dần, toàn bộ tuyến nước mắt bị tổn hại, mắt khô cong, dính dần, co dần lại. 

Ở Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đã thống kê hiện nay tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ 2 trong các trường hợp ngộ độc thuốc. 

Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn.

Thuốc được chuyển hoá ở gan với một tốc độ đều đặn. Quá trình chuyển hoá thuốc là căn nguyên dẫn đến ngộ độc. Khi qua gan, có khoảng 4% lượng paracetamol chuyển thành N-acetylbenzoquinonimin là chất độc gây hoại tử gan không hồi phục.
Nguồn infonet.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image