Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Mức chi phí từ tiền túi cho y tế VTV1 và các báo đưa chưa thật sự chính xác

Trước thông tin mà VTV1 và một số các báo đưa “Hàng trăm nghìn người “gánh” chi phí y tế “thảm họa”… và “mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện tại ở Việt Nam là 54,8%”, ngày 27/4, Trường Đại học Y tế Công cộng đã có công văn gửi Bộ Y tế để cung cấp thông tin nghiên cứu đầy đủ và chính xác hơn. Theo đó, thông tin của nghiên cứu mà VTV1 và các báo sử dụng là chưa đầy đủ và không chỉ rõ mốc thời gian có liên quan đến kết quả.

Ngày 27.4/2016, VTV 1 và một số báo có trích dẫn kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng tại Hội nghị Khoa học Y tế Công cộng ngày 25/4/2016, với nội dung “Hàng trăm nghìn người “gánh” chi phí y tế “thảm họa”… và “mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện tại ở Việt Nam là 54,8%”.  Trường Đại học Y tế Công cộng đã làm việc với nhóm nghiên cứu và xin được cung cấp thông tin đầy đủ về nghiên cứu như sau:

Nghiên cứu “Gánh nặng chi phí từ tiền túi người dân và bảo vệ tài chính” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích mức độ chi phí từ tiền túi của người dân tại Việt Nam qua thời gian dựa trên số liệu sẵn có của Điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2014. Phương pháp nghiên cứu do WHO và nhiều nước trên thế giới sử dụng trong việc đo lường mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các chỉ số này cũng đã được Việt Nam sử dụng trong các báo cáo Tổng quan chung ngành Y tế 2013, 2014, và 2015.

hoi-nghi-khoa-hoc-y-te-cong-cong.jpg

Hội nghị khoa học y tế công cộng toàn quốc với chủ đề "Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai" tổ chức ngày 25/4.

 Trong bài trình bày của PGS.TS. Hoàng Văn Minh, tác giả đã nêu rõ “Tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam chịu mức chi phí thảm họa và nghèo hóa cho chi phí y tế đều giảm rõ rệt qua thời gian, và vào năm 2014 tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam phải chịu mức chi phí thảm họa chỉ là 2,3% (so với tỷ lệ 8,2% năm 1992) và nghèo hóa là 1,7% (so với tỷ lệ 5,3% vào năm 1992)”. Các kết quả này cũng đã được đăng tải tại báo cáo Tổng quan chung ngành Y tế năm 2013, 2014, 2015.

Bài báo cáo của PGS. TS. Hoàng Văn Minh cũng có trích dẫn số liệu tính toán của Tài khoản y tế Quốc gia về mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện đại ở Việt Nam và cũng nêu rõ tỷ lệ này đã giảm qua thời gian vào năm 2012 chỉ còn hơn 47% so với hơn 50% trước đây. Con số mức chi phí từ tiền túi cho y tế 54,8% (so sánh với các nước trong khu vực) mà VTV1 và các báo cáo đã sử dụng số liệu của năm 2007 và được đăng tải tại Báo cáo chung Tổng quan ngành Y tế năm 2013 (bài báo gốc được xuất bản tại tạp chí Lancet năm 2011).

Như vậy, kết quả chính của nghiên cứu cho thấy mức chi phí từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế, tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế ở Việt Nam đã đều giảm qua thời gian (thể hiện xu hướng tích cực). Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam cần nỗ lực để giảm tỷ lệ chi phí từ tiền túi cho y tế từ hộ gia đình xuống dưới 30% (theo khuyến cáo của WHO) và qua đó tiếp túc giảm thiểu tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Như vậy thông tin của nghiên cứu mà VTV1 và các báo sử dụng là chưa đầy đủ và không chỉ rõ mốc thời gian có liên quan đến kết quả. Chính vì vậy, Trường Đại học Y tế Công cộng mong muốn rằng thông tin đầy đủ của nghiên cứu sẽ đến được với các bên liên quan.

Nguồn Suckhoedoisong.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image