Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Nghề Y phải có đam mê và lòng yêu thương con người

Trong đợt dịch sởi vừa qua, đã rất nhiều lần Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ ra viện cho những ca bệnh nặng được cứu sống. Nơi này là tuyến cuối nên để hạn chế thấp nhất các ca tử vong do sởi, ngoài chuyên môn giỏi đòi hỏi ở đây cần có những con người giàu lòng nhiệt tình, đam mê và tình yêu thương con người…
Có những điều chưa thấy trong y văn

Chỉ mấy ngày trước, tại Khoa Nhi đã làm lễ ra viện cho bé T.N (9 tháng tuổi), bị biến chứng viêm não do sởi, nhiều lần các bác sĩ tưởng bé không qua khỏi, thậm chí gia đình còn xin về. Đây là ca biến chứng viêm não trong giai đoạn cấp của sởi đầu tiên mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Nhi từng gặp và là trường hợp rất hiếm.

“Lúc đầu biết bệnh của cháu rất nặng, khó qua khỏi nên gia đình muốn xin cho cháu về nhà nhưng các bác sĩ khuyên gia đình còn tia hy vọng chúng tôi vẫn hết sức cứu cháu. Nhờ thế mà cháu mới có cơ hội sống”, người nhà của bé T.N cho biết.

Trong đợt dịch sởi vừa qua, đã có 16 trường hợp tử vong tại Khoa Nhi. Đó là một con số khiến PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng và các đồng nghiệp của mình không bao giờ quên được trong cuộc đời làm nghề. Nhiều trẻ được cứu sống rồi, về nhà lại mắc và phải vào viện lần thứ 2, lần thứ 3. Đó là những điểm mà chưa hề có trong y văn.

Ngay từ đầu mùa dịch, với sự nhạy cảm của một bác sĩ giàu kinh nghiệm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã thấy các dấu hiệu nguy hiểm của những ca mắc sởi dựa trên triệu chứng lâm sàng. Rồi mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán của anh, sởi đã tấn công dồn dập và khốc liệt lên những đứa trẻ. Chưa bao giờ thấy trẻ bị sởi biến chứng nhanh như thế. Nếu ai vào Khoa Nhi trong mấy tháng qua sẽ không khỏi xúc động. Ở đó như một chiến trường, các y bác sĩ là những chiến sĩ thực thụ trên trận địa chống sởi.
 
Máy móc chỉ là một phần
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, mặc dù bệnh sởi có phác đồ điều trị nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được 80%, còn nữa là cần sự nhạy cảm của người thầy thuốc. Chúng tôi dựa vào tình hình thực tế bệnh nhân để có những điều trị phù hợp nhất.

“Có nhiều yếu tố để điều trị một căn bệnh thành công. Về trang thiết bị, ví dụ như với bệnh nhân sởi thì máy thở hiện đại là cần thiết. Vì những trẻ bị sởi thường bị tổn thương phổi. Phải sử dụng nhiều mốc thở để phù hợp với mức độ tổn thương phổi. Tuy nhiên, muốn sử dụng máy tốt thì người điều dưỡng phải theo dõi thật kỹ lưỡng để điều chỉnh máy thế nào cho phù hợp với từng bệnh nhân. Ngoài ra, có những trường hợp sởi bị biến chứng sang tim thì các bác sĩ phải dùng thuốc trụy tim mạch. Khi nào thì tăng liều, khi nào giảm liều…tất cả những điều này phụ thuộc rất nhiều vào thông tin từ các điều dưỡng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

 “Trình độ chuyên môn giỏi chưa đủ mà bác sĩ cần phải nắm được tất cả các khâu để phối hợp với nhau cho nhịp nhàng. Từ trong trái tim họ luôn có những trăn trở. Họ hiểu trách nhiệm cứu được một đứa trẻ phải dồn công sức rất lớn. Khi một bệnh nhân tử vong thì chúng tôi đau buồn thực sự bằng cả trái tim của mình, chứ không hề sáo rỗng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trải lòng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Trong hoạn nạn, tình người được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ tôi thấy gia đình bệnh nhân lại yêu quý bác sĩ chúng tôi như thế. Không ai to tiếng, không ai phàn nàn, nếu bình thường sẽ khó có điều đó vì ai cũng muốn chữa cho con mình trước. Chưa bao giờ chúng tôi được quan tâm nhiều như thế, từ tất cả các cấp lãnh đạo, điều đó làm cho chúng tôi quên đi những mệt mỏi”.

“Ngoài chuyên môn vững, là một người quản lý cần phải đưa ra những quyết định đúng để đồng nghiệp họ tin mình, kết quả cuối cùng là cứu sống trẻ. Để thành công phải có ngọn lửa đam mê và lòng yêu thương con người. Lòng yêu thương không nhất thiết phải nói ra mà qua các hành động, rồi ai cũng sẽ nhận thấy điều đó”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.
 
Theo  GiadinhNet
 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image