Responsive Image

DetailController

Tin tức - Sự kiện

Nghiện thiết bị thông minh, tay dễ tàn phế

Vì dùng điện thoại thông minh sai tư thế, nhiều người rơi vào tình trạng đau nhức bàn tay, khó cầm nắm đồ vật, thậm chí phải phẫu thuật để điều trị…

ảnh 1

Hiện đại quá hại thân

Thống kê tại các bệnh viện cho thấy, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh với các biểu hiện bất thường ở bàn tay như: đau nhức cổ tay, đau ngón cái, đau mỏi khớp tay… Phần lớn những người này đều có chung một đặc điểm là sử dụng smartphone quá nhiều.

Ngồi chờ trước phòng khám xương khớp của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, anh Bùi Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy ngày hôm nay, ngón cái tay trái của tôi hễ cử động nhẹ là lại đau. Hôm qua, vừa cầm đĩa thức ăn thì nó đau tê dại và phải một lúc lâu mới duỗi tay ra được. Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng bị như vậy, nhưng chỉ là sái gân, sái khớp, xoa bóp một lúc là đỡ ngay, lần này đau cả tháng rồi mà không đỡ”. 

Vẫn theo anh Thắng, ngón cái bị đau không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà công việc của anh cũng bị thiệt hại. Chẳng là, do làm nghề bán hàng online nên anh thường xuyên sử dụng ngón cái để vuốt màn hình điện thoại, iPad tìm nguồn hàng cũng như trả lời khách. Giờ ngón tay bị chấn thương, khiến nhiều đơn hàng bị bỏ lỡ.

Chung hoàn cảnh với anh Thắng, chị Mai Thu Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Mình là phóng viên mảng thời sự nên thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại để viết bài, cập nhật tin tức. Một tuần gần đây, cổ tay và các khớp tay đau nhức làm công việc bị cản trở nhiều. Mỗi lần đánh máy, đầu ngón tay lại có cảm giác tê nhức.

Đây là lần đầu tiên mình bị thế này nên rất hoang mang. Các anh chị ở văn phòng mình nói: “Bệnh này là “người quen” của phòng. Ở đây, 2/3 số người trong phòng đã từng bị do dùng điện thoại, máy tính quá nhiều. Chả biết thực hư thế nào nữa”.

Bệnh của dân văn phòng

Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO, gần đây, những bệnh liên quan đến sử dụng thiết bị thông minh như: smartphone, máy tính bảng… gia tăng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở những người làm văn phòng. Trong những bệnh này, phổ biến nhất là viêm gân tay và hội chứng ống cổ tay.

Theo đó, hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu bằng cảm giác tê mỏi các ngón tay. Cảm giác này đôi khi không rõ ràng mà chỉ là buồn buồn trong ống xương. Khi nặng hơn, nó sẽ khiến tay tê nhức cả ngày. Nhiều người thậm chí còn không thể cầm nắm được đồ vật và hay làm rơi đồ.

Thực tế, hội chứng ống cổ tay không đột nhiên xuất hiện mà nó có dấu hiệu cảnh báo từ từ. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên đa phần chúng ta bỏ qua, chỉ đến khi các triệu chứng trở nặng thì mới bắt đầu đi khám chữa.

Nguyên nhân gây ra hội chứng là do các dây thần kinh ở vùng cổ tay bị chèn ép lâu ngày dẫn tới tổn thương. Khi mới mắc bệnh, nếu biết cách xoa bóp và luyện tập, các triệu chứng sẽ mất dần. Tuy nhiên, nếu bệnh đã nặng thì nhất định phải có sự can thiệp của bác sĩ.

Không ít người còn phải thực hiện phẫu thuật thì tay mới trở lại trạng thái bình thường. Thực tế cũng có những trường hợp bị tổn thương dân thần kinh ở bàn tay vĩnh viễn, dẫn tới mất cảm giác ở các đầu ngón tay.

Bên cạnh hội chứng ống cổ tay, người sử dụng nhiều điện thoại, máy tính còn dễ bị viêm gân tay với các biểu hiện như đau cổ tay, đau ngón cái. Cảm giác đau này tăng mạnh khi vặn cổ tay hoặc di chuyển ngón cái. Nguyên nhân gây bệnh là do thường xuyên vặn cổ tay, để ngón cái trong tư thế gập hoặc dạng quá lâu.

Để nhận biết bệnh này, theo bác sĩ Xuân Anh, đầu tiên, chúng ta dùng bàn tay nắm ngón cái lại, sau đó chuyển động cổ tay. Nếu thấy cảm giác đau nhói xuất hiện ở vùng bàn tay thì có nghĩa là bạn đã bị viêm gân tay.

Thực chất, viêm gân tay có thể điều trị bằng cách chườm lạnh và xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ tay đau, đồng thời tập căng nhẹ ngón cái. Trường hợp nặng hơn, bạn có thể nẹp cố định cổ tay lại để ngón cái có thể được nghỉ ngơi. Nếu cơn đau ngày càng dữ dội, bạn nên đến gặp bác sĩ để sớm có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguồn Anninhthudo.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image