Xảy ra ngộ độc do các bé nghịch phá, lục lọi, tò mò nhìn thấy, với tay lấy lúc mẹ đang nấu nướng không quan sát bé rất hay gặp. Ngoài ra, khi xảy ra ngộ độc, người nhà thường xử trí không đúng như gây ói nhiều lần, móc họng gây hít sặc và tổn thương ở phổi làm nặng thêm tình trạng ngộ độc. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm dự phòng trước tất cả những nguy cơ cho bé.
Trẻ viêm phổi vì sữa tắm
Đang làm bếp, nghe tiếng khóc to của con, mẹ của bé K.L. 3 tháng tuổi, nhà ở TP.HCM vội chạy tới bên giường thì thấy con mình đang sặc sụa, giãy giụa kêu khóc. Miệng và mũi bé dính đầy xà bông nước. Thì ra, người anh 3 tuổi của bé đang chơi gần đó đã lấy chai dầu gội mẹ mới mua để trên đầu giường chưa kịp cất vào nhà tắm cho bé bú, làm đổ tràn vào mũi miệng, gây sặc. Sau khi lau sạch miệng mũi cho bé L., gia đình đã tức tốc đưa bé đi cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, môi tím tái, phổi nhiều ran, thở co lõm. Nhờ cấp cứu kịp thời, bé L. đã hồi phục và xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Các loại hóa chất, mỹ phẩm trong nhà phải được cất trong tủ, kệ cao, đặt ở ngoài tầm nhìn, tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không với lấy được.
Ảnh minh họa
Dầu gội, sữa tắm dễ gây ngộ độc ở trẻ em
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát độc chất Hoa Kỳ, gần đây đã có 6.175 ca ngộ độc liên quan tới hóa mỹ phẩm như: dầu gội đầu, dầu xả, xà phòng và sữa tắm. Trong đó có đến 4.827 trường hợp xảy ra ở trẻ em. Mặc dù không có trường hợp nào tử vong nhưng đã có những trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.
Hầu hết dầu gội đầu hiện nay trong thành phần chủ yếu gồm các chât có hoạt tính bề mặt là anion hoặc phi anion, tinh dầu thơm, và rất nhiều nước. Ngoài ra còn có thể có ethanol, methanol hoặc isopropyl alcohol. Các loại muối chủ yếu trong thành phần các sản phẩm tắm gội là muối vô cơ, thường thấy là natri clorua không độc. Sữa tắm có thành phần chủ yếu là chất hoạt tính bề mặt, chất chuyển thể sữa, chất bảo quản và muối khoáng hoặc dầu thực vật. Một số loại sữa tắm có thành phần chính là tinh dầu như dầu khuynh diệp hay dầu bạc hà. Việc tắm gội với những chất này thường không gây vấn đề gì, trừ khi những trẻ này có cơ địa nhạy cảm với một hoặc nhiều thành phần trong sữa tắm, có thể làm tăng phản ứng nhạy cảm gây viêm da dị ứng. Nếu nuốt vào một lượng vừa phải các sản phẩm này có thể gây ngộ độc nhẹ hoặc rối loạn tiêu hóa, lượng nhiều có thể gây rối loạn các chất điện giải. Nếu hít sặc vào phổi lượng nhiều có thể gây viêm phổi hóa học.
Độc chất học
Độc chất đáng chú ý trong dầu gội, sữa tắm là isopropyl alcohol được hấp thụ và phân phối một cách nhanh chóng, với thể tích phân phối là 0,6L/kg. Nó được men alcohol dehydrogenase chuyển hóa thành acetone với chu kỳ bán hủy từ 2h30' - 3h. Đối với dung dịch isopropyl alcohol 70%, chỉ cần nuốt vào từ 0,5 - 1ml/kg đủ để gây ngộ độc.
Những dầu tắm trong thành phần có các tinh dầu được cho là an toàn như: khuynh diệp, nhựa thông, dầu thông, bạc hà và quế, chứa các chất cồn, ester, và ketones có thể gây đỏ ngứa da do viêm da dị ứng xuất hiện trong khoảng thời gian 12 giờ sau khi tiếp xúc. Tinh dầu còn gây kích thích niêm mạc. Chỉ cần 10ml chế phẩm dầu đậm đặc đủ gây co giật và ức chế thần kinh trung ương. Thành phần cồn có thể gây hạ đường huyết ở trẻ em. Riêng tinh dầu bạc hà trong dầu tắm có nguy cơ độc nhiều hơn. Nuốt phải lượng nhiều chất này sẽ gây buồn nôn, ói mửa và đau bụng, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu trong thành phần có chứa chất bay hơi pulegone, chuyển hóa thành độc chất đối với gan và phổi, chỉ cần 5ml đủ xuất hiện triệu chứng ngộ độc và gây tử vong nếu nuốt đến 15ml. Các triệu chứng tổn thương gan và đau bụng cùng với rối loạn tri giác xuất hiện sớm. Diễn tiến tụt huyết áp và toan chuyển hóa, nôn ói không cầm được, xuất huyết tiêu hóa và tiểu máu có thể xảy ra. Suy thận thường gặp sau khi uống lượng nhiều dầu chứa bạc hà.
Chẩn đoán
Trong trường hợp nuốt phải lượng ít các loại dầu gội, sữa tắm này thì không cần thiết phải làm các xét nghiệm. Những trường hợp có triệu chứng do nuốt phải tinh dầu hoặc cồn phải xét nghiệm nồng độ các chất điện giải, công thức máu, theo dõi lượng đường máu và chức năng đông máu, chức năng gan thận, tổng phân tích nước tiểu, điện tâm đồ. Cũng cần đo nồng độ aspirin và acetaminophen trong máu. Những bệnh nhân nuốt isopropyl alcohol cần phải làm thêm các xét nghiệm định lượng isopropyl alcohol trong huyết thanh, nồng độ acetone, độ thẩm thấu, khí máu động mạch và độ bão hòa oxy máu. Ngoài ra cũng cần được theo dõi sát hô hấp và tuần hoàn.
Xử trí đảm bảo hô hấp
Do độc chất hấp thu và phân bố nhanh nên tại bệnh viện, thao tác rửa dạ dày ít có tác dụng mà còn có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh. Có thể dùng than hoạt với hy vọng hấp thu phần nào lượng độc chất đã nuốt vào. Không có thuốc giải độc nên trường hợp nuốt isopropyl alcohol hoặc các hợp chất chứa cồn với liều lượng lớn cần được xử trí như một ca ngộ độc rượu cồn thực sự, tức là phải lưu ý nguy cơ hạ đường huyết, rối loạn chất điện giải, và xử trí đảm bảo hô hấp. Ngộ độc vào mắt cần phải rửa mắt bằng nhiều nước ấm hoặc nước muối, sau đó điều trị triệu chứng và nâng đỡ. Tinh dầu bạc hà làm giảm lượng glutathione ở gan, trường hợp này có thể dùng thuốc N-acetylcysteine giải độc. Các biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ.
Không để trẻ cầm chơi với các chai lọ hóa chất
Nguy cơ ngộ độc do dầu gội, sữa tắm luôn hiện diện trong nhà có trẻ em nhỏ, do ở độ tuổi này trẻ hiếu động, rất tò mò, ham khám phá và chưa nhận thức được những mối nguy hiểm. Tình trạng ngộ độc không chỉ gây bệnh cấp tính cho các em, viêm phổi do hít sặc, có trường hợp còn khó hồi phục hoàn toàn hoặc di chứng ở phổi kéo dài. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm dự phòng. Các loại hóa chất, mỹ phẩm trong nhà phải được cất trong tủ, kệ cao, đặt ở ngoài tầm nhìn, tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không với lấy được. Luôn trông chừng cẩn thận khi trẻ chơi. Không để trẻ cầm chơi với các chai lọ hóa chất, cũng không chơi gần nơi chứa các sản phẩm này để đảm bảo an toàn cho trẻ.
BSCK2. Nguyễn Thị Kim Thoa
Theo suckhoedoisong.vn