Theo thông tin từ Ths. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây số bệnh nhân đến Trung tâm chống độc điều trị vì ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat có xu hướng tăng, trung bình từ 2-3 ca/ngày, thậm chí có đêm có tới 5 ca vào cấp cứu.
Ngày 24/7, bệnh nhân P.T.H.Ng (38 tuổi, Hải Dương) được đưa đến Trung tâm chống độc sau khi uống thuốc diệt cỏ. Theo lời kể của người nhà, do có mâu thuẫn gia đình nên bệnh nhân tự uống một chai thuốc diệt cỏ chọn lọc Butachlor và một chai diệt cỏ cháy paraquat. 13h sau người nhà phát hiện và đưa ngay đến BV huyện cấp cứu, được xử trí rửa dạ dày, than hoạt sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Mặc dù được điều trị tích cực và lọc máu nhưng do uống một lượng lớn chất độc nên tình trạng bệnh nhân rất nặng, sáng 26/7, gia đình đã xin cho bệnh nhân về để lo hậu sự.
Trung bình mỗi ngày có 2-3 ca ngộ độc paraquat vào điều trị tại TT Chống độc, BV Bạch Mai
Một trường hợp khác cũng là một bệnh nhân nữ 42 tuổi (ở Hưng Yên). Chỉ vì to tiếng với bố đẻ, chị đã uống một chai thuốc diệt cỏ cháy để kết liễu cuộc đời. Mặc dù được người nhà phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu, hiện đang được điều trị tích cực và lọc máu nhưng tiên lượng thực sự khó khăn. Đau lòng hơn khi có cả những phụ nữ đang mang thai cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử, trường hợp này không chỉ cướp đi tính mạng người mẹ mà còn tước đoạt mạng sống của thai nhi mà bệnh nhân đang mang trong bụng.
BS Nguyên cho biết, paraquat là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục. Người bệnh sẽ tỉnh táo cho đến khi chết vì suy hô hấp, suy gan, suy tạng. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, nhưng 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên. Hiện nay, Việt Nam và cả trên thế giới cũng chưa có biện pháp điều trị để cứu sống các bệnh nhân uống paraquat. Cách điều trị hiện nay là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Đặc biệt, các bệnh nhân này dù sớm hay muộn cũng sẽ tiến triển đến suy hô hấp nhưng lại không thể điều trị bằng thở oxy, vì khi đó sẽ sản sinh ra 1 loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.
Liên quan đến những hậu quả khôn lường từ thuốc diệt cỏ paraquat, BS. Nguyên nhấn mạnh: "bệnh nhân tử vong do paraquat gia tăng là một nỗi ám ảnh với bác sĩ, bởi chính bác sĩ là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của họ - đi đến các chết nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo, thể trạng còn rất tốt vì đa phần các bệnh nhân còn rất trẻ, khỏe mạnh nên không bị suy kiệt như những bệnh nhân khác. Cận kề cái chết, bệnh nhân ngộ độc paraquat vẫn rất tỉnh táo trong tình trạng khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh rất xót xa - thực sự là nỗi ám ảnh đối với cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh".
Để truyền thông tới cộng đồng thực trạng này, hàng năm bệnh viện Bạch Mai luôn cung cấp cho các phóng viên và các kênh truyền hình rất nhiều những ca bệnh thương tâm cùng những cảnh báo về độc tính cao của paraquat đối với người dân và nhà sản xuất cũng đã có giải pháp pha chế chất chỉ thị màu dễ nhận diện (thuốc bảo vệ thực vật có màu xanh lam (lục) đựng trong lọ nhựa; hoặc pha chế thêm chất kích nôn để khi uống vào nạn nhân sẽ nôn ra ngay; hoặc cho thêm chất có mùi khó chịu... Vậy mà con số bệnh nhân ngộ độc, tử vong do paraquat vẫn ngày càng tăng lên, mỗi năm có đến hàng nghìn ca. Đến nay, dù paraquat đã bị cấm nhưng phải đến tháng 2/2019 thuốc mới hết hiệu lực lưu hành. “Chúng tôi mong muốn chất này được cấm càng sớm càng tốt bởi muộn ngày nào sẽ lại có thêm những ca tử vong rất đau thương”, BS Nguyên nói.
Tin, ảnh: M.Thanh