Đây là các kỹ thuật mới, hiện đại, ít gây tổn thương tổ chức lành xung quanh, điều trị qua đường nội mạch, thay thế phẫu thuật trong điều trị thông động mạch cảnh xoang hang và điều trị phình động mạch não tại Việt Nam. Ưu điểm của nó là ít biến chứng, không để lại di chứng nặng nề cho người bệnh từ đó giảm các chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Kỹ thuật cứu sống nhiều bệnh nhân
Về cụm công trình vừa đạt giải thưởng lớn, GS.TS Phạm Minh Thông chia sẻ: “Tôi bắt đầu cụm đề tài này từ những năm 2000. Kỹ thuật đầu tiên được chuyển giao là điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương. Bệnh lý này trước đây phải phẫu thuật với nhiều biến chứng và di chứng. Chúng tôi đã triển khai kỹ thuật điều trị bằng đường nội mạch ít xâm lấn rất thành công, đã chuyển giao cho nhiều trung tâm lớn trong toàn quốc từ Hà Nội vào đến TPHCM. Kỹ thuật can thiệp qua đường mạch đã thay thế hoàn toàn phẫu thuật, cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Kỹ thuật thứ hai là kỹ thuật điều trị phình mạch não vỡ và chưa vỡ. Phình mạch não vỡ gây tỷ lệ tử vong trên 50%, bệnh nhân sống sót thì để lại di chứng nặng nề, trước đây điều trị bệnh lý này hoàn toàn bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể mổ được và phẫu thuật cũng để lại nhiều tai biến và di chứng. Chúng tôi đã đưa kỹ thuật can thiệp qua đường nội mạch vào Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các giáo sư Pháp, và sau đó chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều trung tâm y khoa lớn trong cả nước. Kết quả đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Hiện nay người bệnh đã có cơ hội lựa chọn, hoặc điều trị bằng mổ mở, hoặc điều trị bằng can thiệp nội mạch, mở ra cơ hội mới cho những trường hợp bệnh khó. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng những kỹ thuật mới nhất của các nước phát triển vào Việt Nam, tại Bệnh viện Bạch Mai và một số trung tâm lớn”.
Kỹ thuật thứ ba trong cụm công trình đoạt giải là sử dụng cộng hưởng từ để chẩn đoán sớm đột quỵ nhồi máu não. Đột quỵ nhồi máu não là bệnh rất thường gặp, nếu được chẩn đoán sớm, chính xác thì có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (chỉ có hiệu quả trong tối đa 4,5 giờ đầu đối với các mạch nhỏ). Đặc biệt, cộng hưởng từ có thể phát hiện được thời điểm bị đột quỵ nhồi máu. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện không xác định được thời điểm bị đột quỵ, cộng hưởng từ có thể xác định được điều này, đồng thời xác định được vị trí tắc mạch, mạch nào tắc, nếu mạch lớn thì kết hợp vừa sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối ra. Kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao và một số trung tâm lớn cũng đã thực hiện được chẩn đoán và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua con đường nội mạch.
Chuyển giao cho nhiều bệnh viện
Mỗi năm ở riêng Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang thành công, khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công, vài trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán kịp thời và hàng trăm bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết và lấy huyết khối. GS.TS Phạm Minh Thông cho biết, hiện nay đang chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch não cho bệnh viện tuyến tỉnh, đang và sẽ có kế hoạch chuyển giao cho bệnh viện tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình). Ngoài chuyển giao các kỹ thuật can thiệp mạch não, các nhà khoa học còn can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác qua đường mạch máu hoặc trực tiếp qua da như điều trị ung thư gan bằng đốt bằng sóng RF, điều trị ung thư gan bằng nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ.
GS Thông tâm sự: “Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục chuyển giao kết quả của cụm công trình trên cho nhiều bệnh viện hơn nữa. Đặc biệt là việc triển khai các kỹ thuật tiên tiến khác trong điện quang can thiệp mạch nhằm chẩn đoán chính xác, can thiệp điều trị với mục đích cứu sống nhiều bệnh nhân hơn. Đồng thời, thúc đẩy trình độ chuyên môn của các bác sĩ điện quang can thiệp mạch Việt Nam nói riêng và y học Việt Nam nói chung sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới”.
Kết quả của cụm đề tài đã được báo cáo trong nhiều hội nghị khoa học trong nước, trong khu vực và trên thế giới được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá, đã mở ra một chuyên ngành mới trong ngành điện quang đó là điện quang can thiệp. GS Thông cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đã thành lập Hội Điện quang can thiệp Việt Nam để Việt Nam hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới”.
Hơn 30 năm công tác, làm việc trong lĩnh vực điện quang từ khi các phương tiện máy móc rất đơn giản trong điều kiện làm việc hết sức khó khăn và trong môi trường độc hại bởi bức xạ tia X, GS Thông đã nuôi ước mơ tiếp cận với kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Để làm được điều đó, từ năm 1982, với ý chí không quản ngại khó khăn, người bác sĩ trẻ lúc đó không ngừng học hỏi, trau dồi ngoại ngữ để du học nhằm tiếp cận những đỉnh cao khoa học về lĩnh vực điện quang tại Pháp, Mỹ.
Học trò của GS Thông cho biết, trước đây, rất nhiều bác sĩ điện quang không dám làm trong lĩnh vực điện quang can thiệp vì lo sợ bị độc hại bức xạ. Do đó lĩnh vực này phát triển rất hạn chế, nhưng bác sĩ Thông đã nắm bắt được xu thế chung của thế giới về vai trò của điện quang can thiệp trong chẩn đoán và điều trị từ đó phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Chia sẻ về những thành công sau hơn 30 năm theo đuổi ngành y, GS.TS Phạm Minh Thông cho rằng, để có được thành công, phải có lòng đam mê nghề nghiệp, đam mê sáng tạo, tìm tòi vượt khổ. Bởi thành công không tự đến với bản thân, tất cả đều từ mồ hôi nước mắt, trí lực mà có.
Nguồn Tienphong.vn