Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Ngửi nước hoa cũng có thể chết người

Trong một báo cáo mới đây, các bác sĩ thuộc BV Bạch Mai đã cảnh báo, hiện số người bị sốc phản vệ đang ngày một gia tăng.

Minh chứng là, có không ít trường hợp bị ong đốt, ngửi nước hoa, thậm chí ăn dọc mùng cũng bị sốc phản vệ.

Đáng nói, với người bị sốc phản vệ, bắt buộc phải được cấp cứu nhanh trong vòng 10 giây, nếu không sẽ tử vong lập tức.

Thực phẩm “bẩn” cũng là nguyên nhân

Cần phải khẳng định, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra vài giây hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test, bị ong đốt, ngửi phấn hoa hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao. Và nếu không được cấp cứu nhanh trong vòng 10 giây, người bệnh có thể tử vong.

Trong một hội thảo gần đây, liên quan đến hồi sức cấp cứu và chống độc tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, các bác sĩ BV Bạch Mai cho biết, hiện số người bị sốc phản vệ ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây thi thoảng mới có người bị sốc phản vệ, thì hiện tại ngày nào bệnh viện cũng có người bị sốc phản vệ.

Nguyên nhân rất đơn giản, chẳng hạn có người chỉ cần ăn một bát bún dọc mùng cũng bị sốc phản vệ, bị ong đốt cũng bị sốc phản vệ, thử thuốc cũng bị sốc phản vệ. Như trường hợp một nữ điều dưỡng của một bệnh viện, trong lúc chuẩn bị thuốc để tiêm cho bệnh nhân, nữ điều dưỡng này vô tình ngửi thấy mùi nước hoa của một người khác đi ngang qua, ngay lập tức chị này ngã ra nền nhà, khó thở, mạch nhanh, yếu…

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị sốc phản vệ ngày càng tăng, GS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc người bệnh bị sốc phản vệ có rất nhiều. Đó là do gen, do sự biến đổi khí hậu, lúc nóng lại nóng quá, lúc lạnh lại lạnh quá… khiến cơ thể con người không kịp thích ứng. Đó là do việc con người đưa nhiều loại thuốc khác nhau vào cơ thể để chữa bệnh, kéo dài cuộc sống. Những loại thuốc này tồn tại lâu trong cơ thể con người, khi gặp môi trường thuận lợi có thể dẫn sốc phản vệ.

Hoặc do con người lạm dụng mỹ phẩm quá nhiều. Ngay cả thực phẩm hiện nay nhiễm hóa chất, kháng sinh, phẩm màu, chất tăng trưởng… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người bệnh bị sốc phản vệ. Như một trường hợp mà tôi biết, một em bé sơ sinh mới chào đời được vài ngày, bà mẹ lấy khăn ướt để lau mặt cho bé. Kết quả, mặt bé bị sưng phù lên. Em bé đã bị sốc phản vệ do dị ứng với những chất được tẩm vào tờ khăn ướt kia”.

Những cách phòng tránh

Trên thực tế, triệu chứng bị sốc phản vệ có thể diễn biến nhanh trong vài giây hoặc vài giờ. Nếu bị côn trùng đốt, phản ứng thường xảy ra nhanh trong vài giây đến vài phút. Nếu nguyên nhân do thức ăn thì biểu hiện xảy ra chậm hơn. Và nếu do thuốc tiêm thì biểu hiện xảy ra từ vài phút đến vài giờ. Biểu hiện ban đầu là nổi mày đay, ngứa, đỏ da toàn thân, có thể phù da, niêm mạc tại chỗ.

Tình trạng nặng hơn người bệnh khó thở, thở rít, giọng khàn. Tâm lý lo lắng, vật vã hoặc nôn mửa, tiêu chảy, phù nhanh toàn thân. Với những trường hợp nguy kịch sẽ bị tụt huyết áp, khó thở tăng, nhịp tim có thể nhanh hoặc chậm, giảm hoặc mất ý thức. Trong những trường hợp này, người bệnh phải được cấp cứu càng nhanh càng tốt, nếu chậm trễ sau 10 giây bệnh nhân sẽ tử vong.

Cách cấp cứu duy nhất trong trường hợp nguy kịch để tránh cho bệnh nhân tử vong là tiêm 0.5mg Adrenalin, có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (nếu đã có đường truyền tĩnh mạch), nhưng thường trong trường hợp khẩn cấp thì tiêm bắp sẽ nhanh hơn. Sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

GS.Bình cho biết thêm: “Adrenalin nằm trong danh mục thuốc độc bảng B nên thường chỉ bác sĩ mới được chỉ định để điều dưỡng tiêm loại thuốc này. Tuy nhiên việc này sẽ làm chậm trễ thời gian cứu bệnh nhân. Vì thế chúng tôi đã đưa ra phác đồ điều trị mới trình lên Bộ Y tế để sớm được ban hành. Đó là việc đưa Adrenalin vào sử dụng rộng rãi hơn nhưng ở dạng liều thấp. Và nếu như tiêm nhầm Adrenalin cho người không bị sốc phản vệ cũng không sao vì với liều lượng nhỏ, người bệnh chỉ hơi hồi hộp. Ngược lại nếu bỏ sót không tiêm cho những người bị sốc phản vệ thì bệnh nhân có thể tử vong”.

Để phòng tránh sốc phản vệ, theo GS. Bình, người dân nên có ý thức tự cứu mình trước. Hành động này thể hiện qua việc người dân không nên lạm dụng mỹ phẩm, dùng mỹ phẩm linh tinh không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện ăn sạch uống sạch, tìm cách bảo vệ mình trước sự thay đổi đột ngột của khí hậu, không ăn hoặc hạn chế ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, dọc mùng… và đặc biệt, nên tìm hiểu những kiến thức liên quan đến sốc phản vệ.

Nguồn Alobacsi.com

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image