Đối với những người mắc bệnh tim mạch, chế độ ăn uống là một trong những vấn đề cần được lưu tâm bởi nó có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình thu hẹp động mạch của tim, giúp ngăn ngừa các biến chứng sau này. Đây chính là “chìa khóa” để phòng chống bệnh tim mạch.
Nghe có vẻ khó thực hiện nhưng chỉ cần bạn quyết tâm, kiên định với sự lựa chọn của mình, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh. Điều này cũng mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và trái tim của bạn.
Nhìn chung, chế độ ăn kiêng hạn chế cholesterol xấu sẽ làm giảm huyết áp, giảm lượng đường trong máu và giúp giảm cân. Không chỉ tránh những món ăn không tốt cho sức khỏe, người bị bệnh tim mạch cần ăn nhiều hơn những thực phẩm tốt. Các nghiên cứu cho thấy rằng hai vấn đề đều quan trọng và có liên quan mật thiết với nhau.
(Ảnh minh họa: iStock/stevanovicigor) |
Người bị bệnh tim mạch nên kiêng gì?
Người bị bệnh tim mạch cần thông minh và tỉnh táo khi lựa chọn calo, chất béo bằng cách:
- Hạn chế chất béo bão hòa, thường có trong các sản phẩm động vật.
- Không dùng các sản phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Bạn có thể kiểm tra bằng cách nhìn trên bao bì, nếu có dòng chữ partially hydrogenated oils, tức là sản phẩm có chứa dầu chưa bão hòa và bạn không nên dùng.
- Khi sử dụng chất béo để nấu ăn hoặc nướng bánh, hãy lựa chọn các loại dầu có chất béo không bão hòa đơn, ví dụ như dầu ô liu, dầu đậu phộng hoặc chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, ngô và hướng dương.
(Ảnh minh họa: iStock/dolgachov) |
Một trong những điều quan trọng nhất là phải hạn chế cholesterol có trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao có thể làm tăng mức cholesterol trong máu. Tránh thực phẩm có đường và cần cắt giảm muối trong khẩu phần ăn. Chế độ ăn nhiều muối sẽ gây hại cho huyết áp. Thay vào đó, nên sử dụng các loại thảo mộc, gia vị để gia tăng hương vị thực phẩm.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo hiệu quả và điều chỉnh mức cholesterol, tuyệt đối không bỏ bữa mà phải ăn đúng giờ, đúng bữa.
Những người bị bệnh tim mạch cần chú ý không hút thuốc lá, hút vape hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa ni-cô-tin và tránh đến nơi hút thuốc để hạn chế hít khói thuốc thụ động. Nếu bạn thường xuyên uống rượu, hãy cân nhắc đến liều lượng. Chỉ một li một ngày đối với phụ nữ và không quá hai li đối với nam giới.
Nên ăn gì?
(Ảnh minh họa: Bbcgoodfood) |
Trong khẩu phần ăn của họ cần có nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, thực phẩm toàn phần chủ yếu từ thực vật bởi chúng giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Nếu bạn là người không thích ăn rau, bạn có thể trộn cùng salad hoặc làm các món ăn phụ, món khai vị để dễ ăn hơn.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý để không sử dụng nhiều chất béo hoặc phô mai trong món ăn. Hầu hết các chế độ ăn uống lành mạnh đều có thể điều chỉnh phụ thuộc vào yêu cầu về lượng calo, sở thích thực phẩm cá nhân và văn hóa.
Ngoài ra, trong bữa ăn cần có đa dạng thực phẩm giàu protein, đồng thời cân bằng khẩu phần ăn giữa thịt nạc và các nguồn thực vật protein, tuy nhiên, bạn nên bỏ phần da của thịt. Ăn đa dạng các loại cá ít nhất hai lần một tuần, đặc biệt là cá có chứa axit béo omega-3 như cá hồi, cá trích.
(Ảnh minh họa: Theroastedroot) |
Việc uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và tạo cảm giác no, từ đó ăn ít hơn. Lượng nước được khuyến khích là khoảng 1- 2 lít nước mỗi ngày, trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ.
Người bị bệnh tim mạch cần lựa chọn thực phẩm có chứa đúng loại carb mà mình cần như gạo nâu, bột yến mạch, quinoa và khoai lang nhằm bổ sung thêm chất xơ và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Bạn có thể tham khảo chế độ ăn DASH, phương pháp ăn kiêng nhằm điều trị và ngăn ngừa tăng huyết áp đã được nhiều chuyên gia công nhận.
Trao đổi trên báo Sức khỏe & Đời sống, BS. Hoàng Xuân Đại cho biết, người bị bệnh tim mạch nên ăn chuối và các loại hoa quả thay thế như cam, quýt, dưa đỏ là các loại trái cây và rau tốt cho tim mạch. Ngoài ra, cần bổ sung đậu nành, ngũ cốc, rau xanh, cá, nấm; uống những loại trà tốt cho tim mạch.
Người bị bệnh tim mạch nên kiêng thực phẩm giàu natri, chất béo, đồng thời tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh...
Trả lời trên Infonet, BS CKII, Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, trong dịp Tết, bánh chưng chứa một hàm lượng dinh dưỡng cao, dồi dào năng lượng, giàu chất đạm động vật và thực vật, nhiều chất béo... gây ảnh hưởng không tốt tới tim mạch và huyết áp.
Theo Vietnamoi