Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Người dân cần biết cách ngừa bệnh sốt xuất huyết

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện kiên quyết một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH), không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.
Nỗi lo sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã ghi nhận 80.000 người ở 28/63 tỉnh, thành có SXH. Trong đó có 60 trường hợp tử vong, số mắc tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2008, riêng miền Bắc, số mắc tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, SXH cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại ĐBSCL mà Sóc Trăng là tỉnh có số người mắc cao nhất. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 10/2009 toàn tỉnh có đến trên 4.700 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong  (cao nhất cả nước)  gần bằng với đỉnh điểm SXH của tỉnh vào năm 2008. Địa phương có nhiều ca mắc nhất là: TP.Sóc Trăng (839 ca), các huyện Long Phú (693), Kế Sách (657), Châu Thành (556)... Đáng lưu ý các trường hợp mắc SXH tại tỉnh này không chỉ trẻ em mà cả người lớn. SXH đã xuất hiện thành các ổ dịch với quy mô nhỏ trên 920 ổ dịch tại hầu khắp các địa bàn dân cư. Các địa bàn như huyện Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Kế Sách năm 2008 rất ít ca mắc nhưng năm nay xuất hiện khá nhiều.

Tại Cà Mau, SXH cũng có nguy cơ trở lại đỉnh điểm (năm 2008) với nhiều ca mắc độ 3, độ 4. Bác sĩ Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay có trên 800 ca mắc SXH, bệnh bắt đầu tăng nhanh tại huyện Đầm Dơi, trong 10 tháng có gần 400 ca chiếm 50% số ca trong tỉnh. Huyện này cũng có ca mắc độ 3 và độ 4 nhiều nhất tỉnh với trên 120 ca, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Tại Bạc Liêu, dù SXH ít hơn năm 2008, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất cao do người dân lơ là với loại bệnh này. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng, đến nay toàn tỉnh có trên 400 ca, có 2 người tử vong. SXH hiện nay không còn theo quy luật như trước đây, mà sẵn sàng bùng phát khi có điều kiện nên công tác phòng bệnh đang được đặt lên hàng đầu.

Sau bão số 9, số bệnh nhân mắc SXH tại Đà Nẵng tăng nhanh. Tại Khoa nội lây, Trung tâm y tế quận Hải Châu có đến 95% bệnh nhân SXH. Từ đầu tháng 10 đến nay, trung tâm đã điều trị cho gần 100 bệnh nhân SXH, chưa kể nhiều trường hợp nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú. Không ít bệnh nhân nặng, có mắc bệnh kèm được trung tâm chuyển lên Bệnh viện Đà Nẵng điều trị.

Cần có kiến thức phòng bệnh

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Do điều trị muộn, một số bệnh nhân bị SXH tiểu cầu giảm xuống quá thấp, chảy máu cam, chân răng và tụt huyết áp dẫn đến trụy mạch, bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều bệnh nhân SXH do được phát hiện chậm tại tuyến cơ sở khi được chuyển lên tuyến trên, tình trạng bệnh đã khá nặng, tiểu cầu hạ thấp. Vì vậy, công tác điều trị hết sức khó khăn và kéo dài, có nguy cơ tử vong cao.

Bản chất của SXH là sốt cao, xuất huyết dưới các dạng: da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài, rong kinh... dẫn đến tiểu cầu giảm nhanh và có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên năm nay, SXH lại chủ yếu là týp 2 dẫn đến tái nhiễm, sốc, tiểu cầu giảm nhanh. Tỷ lệ tử vong do dịch SXH tại Việt Nam không cao nhưng nguy cơ dịch SXH bùng phát mạnh, số ca bệnh nặng gia tăng hơn dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu tiểu cầu sẽ trầm trọng hơn trong thời điểm này. Đỉnh dịch sẽ kéo dài đến tháng 11/2009.

Hiện nay, chúng ta vừa phải chống chọi với cúm A/H1N1, vừa phải giám sát các ca SXH nên cần tỉnh táo. Trong những ngày đầu, diễn biến lâm sàng SXH và cúm A rất khó phân biệt. Ngày thứ 2-3 mới biểu hiện rõ nét dịch SXH hoặc cúm A. Do đó, những người có hiện tượng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể cần được khám, phát hiện ngay từ tuyến cơ sở, tránh để bệnh nặng và dẫn đến quá tải "ảo" ở các bệnh viện tuyến trên khi người bệnh chưa ở giai đoạn nặng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phòng chống SXH không chỉ trông chờ vào ngành y tế mà cần huy động mỗi người dân chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi gây bệnh, nằm màn, kể cả ở các thành phố lớn để hạn chế thấp nhất dịch bùng phát và lan rộng cũng như nguy cơ tử vong do SXH.

Nhật Minh
Theo nguồn: www.moh.gov.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image