Responsive Image

DetailController

Báo chí nói gì về chúng tôi

NGƯỜI THẮP LỬA NIỀM TIN

Lời tòa soạn: Đây là bài viết của 1 bệnh nhân về TS.BS Bùi Văn Khánh - bác sĩ của Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. Bài viết là tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Người thầy thuốc trong tôi" đã được đăng tải trên báo Người lao động, mời bạn đọc cùng thưởng thức.

"Anh chỉ cần em tin anh, mọi việc còn lại anh nghĩ anh rất giỏi" - lời khẳng định của TS-BS Bùi Văn Khánh đã thắp lên niềm tin khi tôi đang căng mình chịu đựng những nỗi đau do căn bệnh lupus ban đỏ gây ra

Tôi ghét những cơn đau, tôi ghét bệnh viện. Cơ thể tôi tựa như có hàng ngàn hàng vạn mũi khoan đục khoét vào xương tủy. Sức lực trong con người tôi như bị rút cạn kiệt, tôi không thể thở được.

Bất lực trước số phận

Tràn dịch phổi, xơ 2 lá phổi, xẹp đáy phổi phải đã làm tôi khó khăn trong việc thở, chỉ một cử động nhẹ hít vào thở ra cũng làm tôi đau đớn vô cùng. Tôi thèm được thở, thèm được chạm vào những thứ rất bình thường từ chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ để cảm nhận được sự sống xung quanh mình. Tôi đã cố gắng đấu tranh bằng bản năng sinh tồn. Tôi tự nhủ: "Cố gắng lên, chỉ cần mình cố gắng thôi, rồi mọi thứ đau đớn ấy cũng sẽ qua đi".

Nhưng mọi việc lại đi ngược với nỗ lực. Những tổn thương về phổi, thận, huyết học, khớp, da... chưa kịp lành thì lại cơn bão khác ập tới. Tôi được chẩn đoán nhiều tổn thương khác: loãng xương, hở van tim, áp lực động mạch phổi nặng, viêm đa rễ gốc dây thần kinh hủy Myelin.

Cơ thể tôi bắt đầu không thể cử động như mình mong muốn. Cứ mỗi lần bước đi, mỗi lần chân chạm đất tôi đều cảm thấy sự bất ổn của cơ thể. Tôi mất dần cảm giác, sức lực ở 2 chân và tay, nước mắt bắt đầu rơi lã chã. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bản thân lại thảm hại đến như vậy. Bước đi trong sự run rẩy và tôi ngã, mỗi lần đứng dậy là mỗi lần ngã, môi cằm đập xuống đất, máu và nước mắt cứ thế trào ra hòa chung với nhau, một mùi vị chẳng dễ chịu chút nào. Tôi đã khóc rất nhiều, khóc không phải vì đau, mà vì cảm giác bất lực trước số phận.

Tôi cảm thấy cuộc sống của mình đang bị dồn ép tới mức không còn nhìn thấy ánh mặt trời. Sự bế tắc, tuyệt vọng xâm chiếm toàn bộ thế giới của tôi. Mọi ước mơ, hoài bão của tôi như bị chà đạp, bóp nghẹn đến đáng thương. Ao ước duy nhất của tôi là có thể đứng dậy đi lại bình thường, chỉ thế thôi. Tôi đã cầu xin thượng đế: "Hãy mang con đi, đừng để con chịu đựng thêm sự đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn này".

Tất cả những nỗi đau bắt đầu từ năm 2018 khi tôi xét nghiệm dương tính với lupus ban đỏ hệ thống - một căn bệnh tự miễn không có thuốc chữa. Ở tuổi 34, hằng ngày tôi có thêm việc phải làm là uống thuốc. Nếu uống thuốc có thể khỏe hơn thì có uống căng bụng tôi cũng chịu nhưng thuốc dường như không có tác dụng, căn bệnh vẫn bào mòn cơ thể tôi mỗi ngày.

Tôi không sợ chết nhưng tôi sợ sống không khỏe. Tôi học cách chấp nhận với thực tại, mong có thể chung sống hòa bình với bệnh nhưng chúng lại rình rập chực chờ để tấn công tôi.

"Hãy tin anh!"

Mặt trời xuyên qua những tán cây của buổi sáng mùa thu tại phòng khám ở Hà Nội, ngồi ngay trước mặt tôi, với đôi bàn tay đẹp đẽ đang cầm bút viết và giải thích cho tôi về bệnh tự miễn, đôi mắt vẫn âm thầm quan sát và đánh giá tôi. Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều trong buổi sáng ấy, anh là bác sĩ điều trị bệnh nhân nội trú tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng bệnh viện Bạch Mai Hà Nội - TS.BS Bùi Văn Khánh.

Anh có cách nói chuyện rất dễ gần, lôi cuốn và thân thiện, trao đổi tận tình về bệnh của tôi. Anh giải thích cho tôi nghe bệnh không thể điều trị khỏi nhưng có thể kiểm soát được. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng hướng, bài bản ngay từ đầu thì sẽ hạn chế được các biến chứng. Kiểm soát bệnh tốt thì chất lượng cuộc sống bệnh nhân lupus sẽ như người bình thường. Anh nói về những chỉ số, những thuốc cần dùng và phác đồ điều trị cho tôi. Suốt 4 năm chiến đấu với bệnh, chưa bác sĩ nào làm điều đó với tôi, những kiến thức ít ỏi tôi hiểu về bệnh có chăng là được lượm lặt từ "bác sĩ Google".


 

Bác sĩ Bùi Văn Khánh tư vấn khám bệnh cho tác giả vào ngày 11-3 vừa qua tại TP HCM, đánh giá sức khỏe của tác giả đang tiến triển tốt, chỉ số lupus đang được khống chế

- "Em bệnh nặng như vậy có làm khó cho anh không?"

- "Không, em! Anh sẽ giải quyết từng vấn đề một. Trước mắt anh cần đưa lupus của em về ổn định, sau đó sẽ điều trị những tổn thương gây ra cho em. Hiện tại anh chưa thể áp dụng cùng một lúc phác đồ lên em được".

Cuộc gặp gỡ ấy vượt ra khỏi sự mong đợi của tôi. "Có những lúc ánh sáng của bản thân ta vụt tắt và sau đó lại được hồi sinh từ nguồn sáng của một người khác. Mỗi người trong chúng ta đều có lý do để cảm ơn những người đã thắp lên ngọn lửa trong mình" - Albert Schweitzer. Với tôi, bác sĩ Khánh chính là như vậy. Trước mặt anh tôi không cảm thấy rụt rè. Ở anh tôi cảm nhận được đó là sự cảm thông với những đau đớn cũng như tâm tư của người bệnh. Anh động viên tôi, kéo tôi ra khỏi vũng lầy tuyệt vọng, cho tôi niềm tin cũng như sức chiến đấu.

"Anh chỉ cần em tin anh, mọi việc còn lại anh nghĩ anh rất giỏi"

Nắng ấm đến với phương Nam

"Anh sẽ vào TP HCM khám, em và một số bệnh nhân khác không phải đi lại nữa nhé! Thay vì nhiều người bay thì để một mình anh bay, sẽ bớt được chi phí cho mọi người hơn".

"Anh nói thiệt hay là giỡn vậy?". Sự hoài nghi trong tôi lập tức được dập tắt khi bác sĩ Khánh nhắn vé máy bay cũng như địa chỉ khám ở TP HCM. Với một người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như tôi thì đây là tin tuyệt vời. Bác sĩ điều trị chứng lupus ban đỏ hệ thống cho tôi sẽ vào TP HCM. Tôi sẽ không phải kéo lê thân thể đầy bệnh tật ngồi vật vờ ở sân bay để ra Hà Nội mỗi khi tái khám.

Là bác sĩ điều trị nội trú, bác sĩ Khánh luôn ý thức được rằng sự xuất sắc về mặt chuyên môn là một đòi hỏi về mặt đạo đức. Thành ý tốt chưa đủ, cái cần là không ngừng nâng cao học hỏi trau dồi kiến thức. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, trong khi mọi người quây quần bên gia đình thì anh lại miệt mài trên hành trình tìm kiếm ánh sáng, hy vọng cho bệnh nhân lupus ở nước ngoài.

Khát khao có thể truyền tải kiến thức của mình để nâng cao tầm hiểu biết của cộng đồng, người bệnh, cũng như kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, bác sĩ Khánh dành thời gian để xây dựng kênh TikTok, dù đứng trước ống kính không phải sở trường của anh.

Tôi đã chứng kiến những bữa trưa vội vàng, những bữa tối đơn giản tới mức chỉ cần bún với chén nước chấm cũng cảm thấy ngon vì quá đói của anh.

Sứ mệnh đạo đức lớn lao trong ngành y đã giúp bác sĩ Khánh có thể chịu được những áp lực khổng lồ từ công việc..

Đến nay, sức khỏe tôi hồi phục dần, tinh thần cũng tốt hơn, tôi đã trở lại cuộc sống bình thường, được làm những công việc mình yêu thích như yoga và khiêu vũ.


 

Tác giả tham gia các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và yoga là một trong những môn yêu thích

Có thể còn quá sớm để nói về cuộc chiến giữa tôi và đối thủ nặng ký mang tên "lupus’’ nhưng tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Bởi tôi không đơn độc trên hành trình của mình, tôi có một người bác sĩ vừa có tâm vừa có tầm dẫn đường.

Cuộc sống của chúng ta sẽ luôn có những con người xuất hiện như một nhiệm mầu. Cảm ơn anh - BS Bùi Văn Khánh - "người thắp lửa niềm tin". 

"Anh phải luôn khỏe mạnh nhé!"

Anh đăng hình trên trang cá nhân trong bộ đồ của bệnh nhân. Hình ảnh người bác sĩ với chiếc áo sơ-mi trắng lịch sự, khuôn mặt thanh tú, nụ cười hiền hậu và giọng nói ân cần nhẹ nhàng được thay bằng nét trầm tư, nhiều tâm trạng.

"Anh mới xạ trị, hôm khám ở TPHCM, lúc ra sân bay anh mệt, suýt ngất vì anh mới mổ K tuyến giáp trước đó 2 tuần".

Tôi im lặng không biết nói gì khi anh chia sẻ bệnh của mình. Tinh thần trách nhiệm với người bệnh, đức hạnh của anh vượt trội cả về đạo đức, cảm xúc, tâm trí lẫn thể chất. Người bác sĩ ấy luôn tận tụy, bền bỉ với bệnh nhân đã không ngại sức khỏe, vất vả sắp xếp thời gian cống hiến tài đức giúp bệnh nhân tự miễn nói chung và bệnh nhân lupus nói riêng ở khu vực phía Nam có cơ hội tiếp cận và được điều trị tốt hơn.

"Anh phải luôn khỏe mạnh nhé, không phải cho bản thân anh mà còn cho gia đình anh và cho cả những bệnh nhân như chúng em nữa".

"Sức khỏe của anh giờ ổn rồi, đúng lịch anh sẽ vào TP HCM khám. Chỉ cần bệnh nhân điều trị bệnh ổn, cuộc sống trở về bình thường là món quà lớn nhất dành cho anh".

Theo Báo Người lao động

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image