Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nên trẻ em thời nay có cơ hội tiếp cận với các đồ công nghệ cao dễ dàng hơn các thế hệ trước. Hiện có rất nhiều gia đình đã dùng những món đồ như Iphone, Ipad hay các dòng smartphone để dụ trẻ ăn nhiều hơn hoặc tránh cho trẻ nghịch ngợm, quấy rầy cha mẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cách làm này sẽ ẩn chứa rất nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra tác hại khôn lường cho các bé bởi đây là giai đoạn phát triển vô cùng nhạy cảm, ảnh hưởng đến thể chất cũng như tính cách các cháu về sau này.
Xã hội ngày càng phát triển những thiết bị điện tử công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi và thu hút ngay lập tức, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Ngày nay chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những trẻ nhỏ từ 2- 8 tuổi đã sử dụng thành thạo iphone, ipad, ngoan ngoãn ngồi chơi hàng tiếng đồng hồ không làm phiền bố mẹ.
Trường hợp cháu Vũ Hồng Anh 4 tuổi, con anh Vũ Hồng Thái ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội cũng không ngoại lệ, ngoài việc học hành trên lớp, mỗi khi rảnh rỗi ở nhà bố mẹ cháu thường cho cháu chơi điện tử trên máy tính bảng. Khi ấy, cháu Hồng Anh rất say mê và hứng thú, không chú gì xung quanh. Theo như anh Vũ Hồng Thái cho biết: Gia đình thường xuyên cho cháu chơi điện tử, máy tính bảng, kể cả trong bữa ăn, gia đình cũng dùng máy tính để dỗ cháu ăn.
Có lẽ, câu chuyện của gia đình anh Vũ Hồng Thái chỉ là một trong nhiều trường hợp phụ huynh cho con em mình tiếp xúc sớm với đồ chơi công nghệ. Hiện nay một số các ông bố, bà mẹ hễ khi con cái không chịu ăn uống, học bài, khóc những đồ chơi mà chúng yêu thích như: máy tính bảng Ipad, điện thoại, laptop hay là máy chơi game… lại được ông bố, bà mẹ mang ra cho con chơi. Với một kho ứng dụng khổng lồ có thể tải từ mạng các thiết bị công nghệ cao này có thể liên tục thay đổi trò chơi, cộng với màu sắc âm thanh như mở ra một thế giới thông tin, thế giới nhận thức cho trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, tivi… giúp trẻ tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới, phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Thế nhưng, việc sử dụng các thiết bị này quá sớm dễ khiến trẻ bị “nghiện” dẫn đến xao nhãng học hành. Đặc biệt những nội dung thiếu lành mạnh trong máy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của trẻ con.
Có nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị số – còn nhiều ý kiến trái chiều.
Câu chuyện em Nguyễn Thị Thu Hương – 8 tuổi tại Nho Quan - Ninh Bình là minh chứng điển hình về việc cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với công nghệ dẫn đến hậu quả đáng tiếc sảy ra. Cách đây không lâu Hương được gia đình đưa vào Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch…Tinh thần bất an…Hoảng loạn…Tim đập mạnh…Nôn khan kéo dài…Thậm chí còn lên những cơn co giật. Theo như bà Nguyễn Thị Xuân – bà nội của em Hương chia sẻ : Trước đó, gia đình có cho Hương nghịch máy tính bảng, Hương chơi máy tính bảng cả ngày, thậm chí những giờ nghỉ trưa hoặc đi ngủ. Có một hôm, Hương đã vô tình coi được phim kinh dị, cho nên cháu đã rất sốc. Do quá sợ hãi nên Hương có những biểu hiện bất thường… gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu ngay.
Không thể phủ nhận được những đóng góp của thiết bị công nghệ đối với đời sống hiện đại. Nhưng ít ai nghĩ rằng, khi cho trẻ em tiếp xúc sớm với công nghệ thì lâu dần chính sự chủ quan này vô tình dẫn đến việc hình thành những thói quen và những tác động không tốt đến trẻ nhỏ.PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Không ít cha mẹ sắm đồ công nghệ cho con giải trí để rảnh tay làm việc. Nhiều người còn nghĩ, nếu sớm làm bạn với ti vi, máy tính, điện thoại, trẻ sẽ thông minh, phát triển trí não. Tuy nhiên, các phụ huynh này đang gây hại cho con, đặc biệt với trẻ ở tuổi phát triển ngôn ngữ và khả năng thích nghi xã hội. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng nhấn mạnh việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc sớm và nhiều với công nghệ sẽ ẩn chứa rất nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra tác hại khôn lường cho các bé bởi đây là giai đoạn phát triển vô cùng nhạy cảm, ảnh hưởng đến thể chất cũng như tính cách các cháu về sau này.
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng: Hiện nay mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên bố mẹ thường rất chiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh sẽ giúp con mình nhanh hiểu biết. Tuy nhiên hầu hết trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của cha mẹ.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc trẻ em sớm được tiếp xúc với những loại hình công nghệ cao đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, xung quanh việc nên cho trẻ tiếp xúc ở thời điểm nào và cách thức tiếp xúc ra sao đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều bậc phụ huynh.
Rõ ràng, dù thiết bị điện tử hay các ứng dụng công nghệ cao có hay thế nào cũng không thể thay thế cha mẹ chơi với trẻ và càng không thể thay cha mẹ dạy dỗ trẻ. Vì thế, việc cha mẹ dành thời gian chơi với trẻ chính là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Thông qua câu chuyện ngắn, cùng với những tư vấn của chuyên gia vừa rồi, hy vọng rằng sẽ hữu ích giúp các bậc phụ huynh trong việc cho con em mình tiếp cận với công nghệ điện tử một cách khoa học và hợp lý nhất.
Nguồn vovgiaothong.vn