Tiếng ồn với người thành thị đang trở thành nỗi ám ảnh, là loại ô nhiễm môi trường nguy hại. Các bác sĩ cho biết, ô nhiễm tiếng ồn khiến con người bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tâm lý, giao tiếp và có thể để lại hậu quả lâu dài.
Hàng triệu người sống bị “ô nhiễm” nặng
Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 - 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt 10% so với tiêu chuẩn cho phép. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
Với cư dân ở nhiều nơi trong thành thị tiếng ồn thực sự trở thành nỗi ám ảnh. Chị Hoài Thương (34 tuổi, ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quãng đường từ nhà tới cơ quan chị dài 10km, qua 4 nút giao thông chính. Những ngày mưa gió hay nóng nực, mỗi lần đến cơ quan hay trở về nhà chị đều thấy “bốc hỏa” vì tiếng ồn. "Tiếng còi xe, tiếng động cơ... cứ ù ù bên tai cả ngày. Đã thế, về nhà, do khu vực chung cư nhà tôi ở cạnh đường trên cao vành đai 3 nên cả ngày nghỉ cũng không thoát khỏi tiếng ồn. Tiếng xe chạy, còi xe tránh nhau, còi ủ, còi cấp cứu… inh ỏi. Nếu tôi ở ngoài ban công nói vọng vào trong nhà còn không ai nghe thấy, cứ phải gào to lên mới được, thành ra, tôi lại sinh tật nói to. Để hạn chế tiếng ồn, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cửa, dù rất bí bách", chị Thương nói.
Tiếng ồn đường sá còn khiến gia đình chị Thương mất ngủ. Chị chia sẻ: "Bác giúp việc nhà tôi phải mất mấy tháng mới quen được với tiếng ồn vọng lên từ đường vành đai 3 trong đêm khuya. Thời gian đầu, bác mất ngủ triền miên, gầy đi mấy cân. Nửa đêm đang ngủ nghe tiếng phanh két, tiếng phương tiện giao thông va chạm, ai cũng giật mình thức giấc. Việc học của các con tôi cũng bị ảnh hưởng”.
BS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình một ngày tại khoa tiếp nhận từ 500-600 bệnh nhân đến khám, trong đó vấn đề nghe kém hay gặp nhất (chiếm 15-20%). Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, hàng ngày tiếp khám nhiều trường hợp là người dân đô thị, công nhân may, dệt, giày da; thợ mộc, thợ xưởng cưa, những người làm quán bar, DJ âm nhạc... bị bệnh do tiếng ồn phát ra. Kết quả khám, mức độ nhẹ thường là bị mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình, ảnh hưởng thần kinh số 8 và nặng là bị giảm thính lực, mất khả năng nghe nghiêm trọng.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho rằng, tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác, trong khi đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khoẻ lớn thứ hai sau bụi. Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài.
Sát thủ âm thầm - hậu quả nghiêm trọng
Theo các chuyên gia về y tế, ô nhiễm tiếng ồn có hại về sinh lý, tâm lý và có tầm ảnh hưởng xã hội. "Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (như ù tai, giảm sức nghe, điếc...), ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em", PGS.TS Doãn Ngọc Hải nói. Công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn cao sẽ làm giảm năng suất lao động.
Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại... Còn đối với mức độ tiếng ồn khoảng 50-60dBA nhưng phải nghe dai dẳng, liên tục như những trường hợp ở sát quán cà phê, bar, quán nhậu… cũng rất nguy hiểm.
Tiếng ồn làm con người mất tập trung, giảm khả năng nghe. Không những thế, tiếng ồn còn gây ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp. Những điều đó sẽ tác động mạnh đến tâm lý như dễ nảy sinh cảm giác khó chịu, cáu gắt, stress, căng thẳng thần kinh, dễ nóng nảy, hung hăng, dễ bị kích động... và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.
Ở nhiều nước trên thế giới có những quy định rất khắt khe trong việc chống tiếng ồn trong các khu đô thị nên ngoài đường hầu như không có tiếng còi xe. Các loại tiếng ồn đều được khống chế trong quy định cho phép. Còn tại nước ta, để hạn chế tiếng ồn, theo ThS Hà Lan Phương, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường), tại các khu đô thị cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông, đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng. Mặt khác, tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới.
Điếc nghề nghiệp có xu hướng tăng
Đây là loại bệnh lý tổn thương vĩnh viễn, không bao giờ hồi phục, ngay cả khi không tiếp xúc với tiếng ồn nữa. Đó là do tiếng ồn tác động tạo nên những biến đổi ở tai trong, tập trung ở cơ quan Corti với tổn thương của tế bào nghe.
Triệu chứng chính của điếc nghề nghiệp là nghe kém cả hai tai đồng đều hoặc tương đương. Ở những bệnh nhân làm việc ở môi trường tiếng ồn, vài tuần hay vài tháng đầu xuất hiện mệt mỏi toàn thân, tức ở tai, ù tai, nghe kém rõ ở cuối hoặc sau thời gian lao động. Các triệu chứng này mất hoàn toàn nếu được nghỉ ngơi. Giai đoạn tiềm tàng này kéo dài vài năm, chưa ảnh hưởng tới sinh hoạt và bệnh nhân không chú ý đến. Giai đoạn sau, người bị điếc nghề nghiệp đã ý thức được bệnh của họ khi nghe kém rõ rệt, giao tiếp khó khăn kèm theo ù tai.
Thu Nguyên/GĐXH