Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Nhân rộng những tấm gương sáng

Trong đợt cao điểm của dịch sởi, chúng tôi đã nhiều lần có mặt tại "điểm nóng" của Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, được chứng kiến cuộc chiến với dịch bệnh của những người thầy thuốc nơi đây.

Ở đó, các y sĩ, bác sĩ là những chiến sĩ thực thụ trên trận địa chống sởi. Ðã có rất nhiều cháu bé, trong đó có cháu gia đình xin về vì nghĩ rằng không thể chữa khỏi, nhưng đã được những người thầy thuốc đem hết khả năng và nhiệt huyết cứu sống. Có trẻ được cứu sống rồi, về nhà lại mắc và phải vào viện lần thứ hai, thứ ba. Thật cảm động, trong những ngày khó khăn đó, chúng tôi thấy, ngoài trình độ chuyên môn giỏi, những người thầy thuốc ở đây còn có tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu đối với người bệnh. Trong cuộc chiến đó, có bảy cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai bị lây nhiễm sởi.

Ngành y tế vừa giã biệt bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, người gắn bó cả cuộc đời để nghiên cứu và chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh phong. Thật đáng quý khi ông được đề nghị trao tặng rất nhiều giải thưởng giá trị nhưng ông đều từ chối, chỉ tự nhận mình "bạn của người bệnh phong". Ông là người tiên phong trong cuộc chiến nhằm xóa đi mặc cảm của xã hội và kỳ thị đối với những người mắc bệnh phong. Thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của người bệnh, việc đầu tiên ông làm để chống lại tâm lý mặc cảm, tự ti của họ là tự nguyện sống chung với người bệnh. Và để thay đổi những quan niệm sai lầm, xóa bỏ đi những định kiến nghiệt ngã đó, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã cho mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân phong ác tính vào cơ thể mình bằng ba đường: Uống, nhỏ mũi và tiêm vào bốn điểm: Hai khuỷu tay, hai dáy tai là những vùng rất thuận lợi cho sự phát triển của trực khuẩn phong. Việc làm của bác sĩ Ngoạn thật sự là một cuộc "cách mạng" chống lại những quan điểm sai lầm về bệnh phong.

Thật đáng trân trọng tấm gương những người thầy thuốc như thế. Họ không ngại khó khăn, vất vả thậm chí là sự nguy hiểm tính mạng để mang lại những điều tốt đẹp cho người bệnh. Trong xã hội ngày nay, nhất là khi tinh thần, thái độ của người thầy thuốc chỗ này, chỗ kia bị xã hội đặt dấu hỏi thì những tấm gương đó cần được nhân rộng. Họ thật sự xứng đáng lời dạy của Bác Hồ: "Phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn".

Theo Nhân dân điện tử 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image