Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu

Hàng trăm bác sĩ các bệnh viện Trung ương dốc sức cứu người mẹ trẻ ung thư quyết giữ thai để sinh con. Y bác sĩ chăm sóc đêm ngày khiến cậu bé tỉnh dậy sau 2 năm hôn mê. Bác sĩ hợp lực chăm sóc cô bé 4 tuổi bơ vơ sau vụ tai nạn. Nhân viên y tế “tung quân” tìm cha mẹ cách hàng nghìn cây số cho cô gái trẻ bị tai nạn… Đó là những câu chuyện đầy tình người bên giường bệnh trong năm qua.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu - Ảnh 1.

Sản phụ Nguyễn Thị Liên trong ca mổ ngồi bắt con tại Bệnh viện K. Ảnh: TL

Điều trị, mổ bắt thai cho người mẹ trẻ ung thư giai đoạn cuối

Chị Nguyễn Thị Liên (29 tuổi, quê Hà Nam) mang thai đến tháng thứ 4 thì phát hiện bị ung thư vú giai đoạn cuối, vẫn quyết tâm giữ lại thai nhi, chịu đau đớn và suy kiệt dần để bé chào đời an toàn. Chiều 22/5, bé trai Đỗ Bình An mới 31 tuần thai đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành 3 bệnh viện: K, Việt Đức và Phụ sản Trung ương. Cùng với các bác sĩ Bệnh viện 103, họ là những người đã theo sát thai phụ đặc biệt này ngay từ những ngày đầu chị nhập viện.

Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư vú di căn vào phổi, nếu nằm chị không thể thở được. Sản phụ cũng không thể gây mê vì không biết chị có thể tỉnh lại hay không. 20 ngày chờ đợi để được gặp con là chuỗi ngày chị Liên và bao người thấp thỏm lo âu cho sự sống của chị. Trong gần 3 tuần đó, các bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã sử dụng những phương pháp điều trị tối tân nhất, thay người nhà chăm sóc, điều trị cho chị Liên và bé Bình An.

Điều kỳ diệu đã đến khi ngày 13/6, chị Liên ngồi trên xe lăn, dù chưa nói được nhiều, đã được gặp con lần đầu tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cuộc gặp gỡ chóng vánh trong 30 phút nhưng đẫm nước mắt đã thoả ước nguyện của người mẹ ung thư. Sau cuộc gặp gỡ, tiến triển sức khỏe của cả hai mẹ con đều tốt hơn.

Kỳ tích tiếp theo đã xảy ra khi hai mẹ con đều khỏe mạnh xuất viện. Đến nay, sức khỏe chị Liên dần ăn uống tốt, tăng cân, hạch đã hết, khối u nhỏ đi. Bé Bình An tăng cân đều. PGS.TS Nguyễn Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai hi hữu nhận xét: "Đây là một ca kinh điển".

Bé trai tỉnh dậy mỉm cười sau 2 năm hôn mê

Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu - Ảnh 2.

Bé trai tỉnh dậy mỉm cười sau 2 năm hôn mê.

Bé trai ở Hoà Bình 2 năm nay hoàn toàn hôn mê, sống thực vật do biến chứng viêm não Nhật Bản, đôi mắt vô hồn, phụ thuộc vào máy thở. Hai ngày nay cháu đột nhiên mỉm cười rất tươi...

Cậu bé 14 tuổi, trắng trẻo, gương mặt sáng, không may mắc viêm não Nhật Bản có di chứng nặng nề, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp. BS Hoàng Công Tình, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - người trực tiếp điều trị cho cháu bé cho biết, trước khi được chuyển về bệnh viện này, cháu đã có 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Sau 6 tháng điều trị cháu vẫn không bỏ được máy thở, gần như rơi vào trạng thái sống thực vật: Liệt tứ chi, mở mắt tự nhiên nhưng vô hồn, thở phụ thuộc vào máy thở nhân tạo. Hơn một năm nay, bệnh nhi này chuyển về với khoa của BS Hoàng Công Tình. Bệnh vẫn không khá lên là bao, đôi mắt vẫn vô hồn và vẫn phụ thuộc vào máy thở.

Dù biết bệnh cháu khó nhưng các bác sĩ vẫn tích cực điều trị. Và gia đình cháu, một gia đình rất nghèo, sống trong vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, vẫn không hết hi vọng.

Thế rồi vào ngày 18/10, trong khi các bác sĩ đi điểm bệnh, cháu bé đã có dấu hiệu nhận biết được xung quanh. Theo hướng dẫn của bác sĩ, trẻ đã làm được các động tác: Nhắm mắt, mở mắt; đưa mắt sang trái, sang phải; há miệng; thè lưỡi. Và một điều ngạc nhiên là khi các bác sĩ bảo cháu bé cười, cháu đã cười rất tươi và nhìn mọi người xung quanh. Lúc đó, có khoảng 10 y bác sĩ khoác áo blouse vây quanh giường bệnh của em bé đặc biệt này.

Nhận được thông tin rất vui này, BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nặng từ các tuyến dưới chuyển đến - rất vui và nói lời "cảm ơn" các bác sĩ tuyến tỉnh. Theo BS Tình, từ khi em bé mỉm cười vào ngày "Thứ Sáu kỳ diệu", đến nay, não em bé đã có những dấu hiệu phục hồi. Nếu cháu bé bỏ được thở máy thì cháu sẽ nói được.

Bác sĩ hợp lực chăm sóc cô bé 4 tuổi bơ vơ sau vụ tai nạn

Sáng 22/10, bé T.H.N (4 tuổi) được cha mẹ chở đi trên một chiếc xe gắn máy, khi đến ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) thì bất ngờ gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chiếc xe container đã tông vào xe máy, bánh trước của xe đã cán qua người cha, mẹ N khiến cả 2 tử vong. Bản thân bé bị kéo lê vài chục mét dẫn đến tổn thương ở 2 phổi, dập phổi, tràn khí màng phổi, gãy xương nhiều nơi như xương đòn, xương sườn, xương vai, xương mu, tụ khí mô mềm vùng lưng, chậu hai bên... Bé được chuyển đến Bệnh viện quận Thủ Đức.

Điều đáng nói là vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, trong những ngày đầu, bệnh viện không xác định được thân nhân, gia đình em bé nhưng vẫn tích cực cấp cứu, điều trị.

Trong suốt gần 1 tháng, bé N được các nhân viên khoa Cấp cứu, khoa Gây mê hồi sức, đơn vị Hồi sức nhi, khoa Ngoại tổng quát - những nơi mà bé đến điều trị và mổ 2 đợt, thay nhau chăm sóc. Các nhân viên y tế ở đây đặt cho bé một cái tên thân thương "bé con siêu nhân" và thay nhau chăm sóc ngày đêm. Cùng đó, các bác sĩ vận động nguồn lực hỗ trợ cho cô bé đặc biệt này.

Ngày 15/11, Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) cho hay, sau gần 1 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng, bé N đã được các bác sĩ ở đây cho xuất viện. Sức khỏe của bé đã ổn định, nhưng các bác sĩ nói đây mới chỉ là giai đoạn 1, bé N còn phải kiểm tra và trải qua những cuộc phẫu thuật tiếp theo thì sức khỏe mới hồi phục được hoàn toàn. Bệnh viện sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ cùng bé trong thời gian điều trị ở nhà tiếp theo.

Tìm cha mẹ cho cô gái hôn mê thất lạc gia đình 2 năm

Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Kính không thể nghĩ rằng nhờ bác sĩ, ông bà mới gặp lại con gái thất lạc 2 năm.

Ngày 19/10, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân 22 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, phải thở bằng máy. Bệnh nhân không có người thân đi cùng, được chẩn đoán phù phổi cấp và suy thận.

Trước đó, khi đang đi xe buýt, cô gái trẻ lên cơn khó thở rồi đi vào hôn mê. Bệnh nhân chỉ kịp cung cấp những thông tin cơ bản: Họ tên là Bùi Thị Trang, SN 1997, ở xã Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Kiểm kê tài sản, người bệnh không có giấy tờ tùy thân, chỉ có một chiếc túi màu xám, trong đó vỏn vẹn 37.000 đồng.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ một mặt nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhân, một mặt không ngừng tìm kiếm thông tin, tìm người thân cho cô gái. BS Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) ngay lập tức kết nối ngay với thị xã Đồng Xoài.

Sau khi nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo thị xã Đồng Xoài, tới 10h ngày 22/10, bệnh viện được thông báo đã tìm được gia đình bệnh nhân Trang.

Bố Trang là ông Bùi Văn Kính, năm nay 66 tuổi. Người cha mái tóc bạc trắng, lại bị điếc nên giao tiếp khá khó khăn. Hàng ngày, ông Kính cùng vợ đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được vỏn vẹn khoảng 100.000 đồng.

Nhìn thấy ảnh Trang dù với rất nhiều dây rợ, ống, máy thở đang được cấp cứu trong bệnh viện, ông Kính vẫn nhận ra con gái mình. Ông kể, đã 2 năm nay vợ chồng ông đi tìm con nhưng không có tin tức.

"Vợ chồng tôi muốn ra ngay Hà Nội để đón con về. Dù con có đang bệnh nặng, cứ về đây, có chết cũng chết trong vòng tay bố mẹ", ông Kính xúc động nói tiếp.

Gia cảnh nghèo khó, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đêm 23/10, gia đình Trang đã tới được khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai gặp con gái. Nhìn con gái, bố mẹ Trang không giấu được những giọt nước mắt: "Con ơi! Mẹ đây! Đúng con rồi… Bố mẹ đến đón con về đây. Bố mẹ không muốn mất con một lần nữa", bà Hảo (mẹ Trang) vừa khóc vừa nói.

Chi phí điều trị cấp cứu gần 34 triệu đồng của Trang được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ toàn bộ. Người nhà bệnh nhân các giường bệnh bên cạnh, không ai bảo ai cũng đã cùng nhau chia sẻ, bỉm, sữa và đồ dùng để Trang đi tiếp chặng đường dài về Bình Phước.

Nguồn: http://giadinh.net.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image