Ấn tượng đầu tiên đối với những người bước chân vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày này là những gương mặt mệt mỏi, thất thần của những ông bố, bà mẹ với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, chăm chú theo dõi máy thở của những đứa con nhỏ mới chỉ biết lẫy, biết bò đã phải chống chọi với bệnh tật. Trong khi những vị phụ huynh "lòng như lửa đốt" vì lo lắng, thì hầu hết các bác sĩ, y tá, điều dưỡng dành hết thời gian, sức lực cho công việc, làm việc không có ngày nghỉ, để chữa trị, giành giật sự sống cho những bệnh nhi.
Cứ năm ngày, điều dưỡng trẻ Cao Thị Hợp, 26 tuổi, lại bước vào tua trực 24 giờ. Những ngày còn lại, chị và các đồng nghiệp làm 10 giờ/ngày. Với Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ngày thường đã có rất đông bệnh nhi đến khám và điều trị. Những ngày chống chọi với dịch sởi, tình hình càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, các điều dưỡng hầu như không có lúc nào được ngơi nghỉ. Trong suốt 24 giờ của ca trực, các chị vừa chăm sóc, dỗ dành, động viên, vừa tiêm, truyền, theo dõi máy thở cho các bé.
Suốt từ sáng sớm cho đến nửa đêm, các bác sĩ, y tá không dám chợp mắt, bởi chỉ cần một tiếng gọi thất thanh "bác sĩ ơi !", tiếng máy theo dõi nhịp tim bất ngờ kêu tít tít dồn dập, là lập tức họ chạy ngay vào phòng bệnh tiến hành hồi sức, ép tim cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhi. Bác sĩ Trương Văn Quý, Phòng Cấp cứu, Khoa Nhi chia sẻ: "Số cháu bị bệnh nặng tăng gấp ba, bốn lần so với mọi khi, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng cũng tăng theo. Những người vào ca trực sẽ làm việc liên tục từ 7 giờ rưỡi sáng hôm trước tới hết 12 giờ trưa hôm sau, thậm chí một số người sau đó còn tiếp tục về giảng dạy tại trường y. Số giờ làm việc liên tục lên tới 36 tiếng".
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi kể, những ngày được nghỉ, nhưng chỉ nghe đồng nghiệp báo tin có nhiều bệnh nhi cấp cứu, các bác sĩ lại lao thật nhanh đến bệnh viện, nỗ lực hết mình để cứu sống các cháu bé. Đối với các y sĩ, bác sĩ Khoa Nhi, không có gì hạnh phúc bằng giây phút chứng kiến các cháu nhỏ bình phục, được ra viện. Và nỗi trăn trở, xót xa lớn nhất của những người thầy thuốc là khi đã sử dụng hết các phương tiện kỹ thuật, phác đồ điều trị, nỗ lực hết sức mà vẫn không cứu được trẻ.
Không chỉ nỗi lo về gánh nặng công việc, các bác sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ bị lây bệnh từ người bệnh. Dịch sởi diễn biến phức tạp, nồng độ vi khuẩn trong bệnh viện nhất là Bệnh viện Nhi T.Ư, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện tại cực kỳ cao. Ngành y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đưa con vào các bệnh viện tuyến cơ sở để giảm tải, giảm tình trạng lây nhiễm khuẩn chéo giữa các cháu, nhưng các y sĩ, bác sĩ thì phải có mặt tại những tâm điểm đó, phải chiến đấu với dịch bệnh. Chỉ hai tuần đi làm trở lại sau thời gian nghỉ sinh, một nữ bác sĩ trong khoa đã vô cùng lo lắng khi chính con mình mới 8 tháng tuổi bị mắc sởi, vì cho rằng mình đã mang mầm bệnh từ nơi làm việc về lây truyền cho con. Hằng ngày chứng kiến nhiều ca nhi biến chứng nặng, chị càng lo lắng hơn. Nhưng may mắn thay, con chị chỉ sốt phát ban, sau đó đã nhanh chóng bình phục.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện khoa vẫn rất nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có những ca biến chứng sởi, các y sĩ, bác sĩ đang dốc hết sức lực cứu chữa các bệnh nhi. Không ít ngày, các bác sĩ, y tá làm việc quên ăn, quên cả uống nước. Trong những ngày cao điểm, có hôm, đến 17 giờ mọi người mới ăn bữa cơm trưa và ăn bữa tối vào lúc 23 giờ. Có những bác sĩ bị ốm do kiệt sức vẫn lao đến buồng bệnh để kịp thời cấp cứu bệnh nhi. Tập thể các y sĩ, bác sĩ đều không quản ngại vất vả, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ lây nhiễm bệnh, nỗ lực hết sức để đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe của các em nhỏ và của cả cộng đồng.
Theo Nhân dân