Bác sĩ đang trao đổi với bệnh nhân bị hen có biến chứng.
Ăn nhau thai mèo, nuốt giun chữa hen
“Mẹo” dân gian và phổ biến kinh dị và nhiều nhất vẫn là để chữa hen. Theo PGS – TS Nguyễn Văn Đoàn, GĐ Trung tâm dị ứng lâm sàng miễn dịch, BV Bạch Mai, đã có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị dị ứng hoặc bệnh hen tiến triển nặng sau khi áp dụng các cách chữa hen “giời ơi đất hỡi”.
Có bệnh nhân hen nghe mách nước tìm uống nhau thai mèo để chữa bệnh. Mỗi lần nhà nào có mèo đẻ là chị lại đến xin nhau thai mèo và nuốt sống ngay tại chỗ. Bệnh hen không khỏi mà giờ chị cứ ngửi thấy mùi thịt sống, mùi máu là muốn ngất xỉu.
Còn có bệnh nhân nuốt hàng trăm con giun đất to như ngón tay để chữa hen. Đương nhiên bệnh cũng không khỏi mà nỗi ám ảnh theo mãi. TS Đoàn cho biết, ước tính khoảng 4 triệu người bệnh bị hen phế quản.
Bệnh hen có thể khỏi nếu theo liệu trình điều trị đúng của bác sĩ đồng thời tránh các yếu tố gây dị ứng như lông vật nuôi, phấn hoa, khói thuốc, nấm mốc… Các cách chữa bệnh dân gian, chữa mẹo đều không giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà còn có nguy cơ gây ra dị ứng, sốc khiến bệnh nặng hơn.
Cho con ăn thuốc phiện để phòng đi ngoài
Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng cấp cứu cho một bé gái mới 7 ngày tuổi (Hà Nội) vì người nhà cho mút thuốc phiện để phòng bệnh về đường ruột. Bé gái nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở tuy nhiên bác sĩ không tìm được dấu hiệu bệnh tật. Khai thác tiền sử, người nhà cho biết đã cho trẻ mút thuốc phiện vì có người mách trẻ mới sinh “mút” ít thuốc phiện sẽ phòng được bệnh tiêu chảy.
Lúc này các bác sĩ mới xác định trẻ tím tái ngừng thở do heroin trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp khiến trẻ ngừng thở. Chỉ mới 7 ngày tuổi nhưng bé đã phải dùng thuốc “giải” ngộ độc thuốc phiện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam -Trưởng khoa Nhi (Bệnh Bạch Mai) cho biết đã cấp cứu khá nhiều ca ngộ độc thuốc phiên do quan niệm dân nguy hiểm như vậy. Theo bác sĩ Nam, dùng thuốc phiện có thể làm giảm nhu động ruột, trẻ đỡ đi ngoài hơn nhưng khiến trẻ càng gặp nguy hiểm hơn. Vì khi đó các vi khuẩn, virus gây tiêu chảy không đào thải ra ngoài được, đọng trong ruột càng dễ tiêu chảy kéo dài thậm chí viêm ruột, nguy hiểm đến sức khoẻ.
Nuốt thạch sùng sữa ung thư
Ông Trần Công Khanh (Xuân Đỉnh, Hà Nội) bị ung thư hạch từ 4 năm trước. Ông cũng đã đi bệnh viện, điều trị trong thời gian dài nhưng tế bào ung thư vẫn không hết hẳn. Nghe nhiều người nói ăn thạch sùng sống sẽ giúp tăng sức khoẻ, chữa được bệnh ung thư, ông Khanh đã về quê để sống nửa tháng.
Ảnh minh họa
Trong thời gian này, ông kêu gọi đám choai choai trong làng bắt thạch sùng bán cho ông với giá 5.000 đồng/con. Mỗi con thạch sùng, ông Khanh cho “tắm” qua rượu để tiệt trùng rồi nhắm mắt, bỏ thẳng thạch sùng đang sống vào miệng, cấu đuôi, thế là thạch sùng giật mình, chạy thẳng vào trong họng. Mỗi ngày ông Khanh “nuốt sống” một con thạch sùng, dự định uống nửa năm nhưng chỉ được hơn 1 tháng ông sợ quá ông uống nữa. “Cảm giác nó chạy thẳng vào cổ họng rất rõ ràng khiến tôi bị ám ảnh. Nhưng trước kia tôi còn nghe cụ tôi nói ông đã nuốt sống rất nhiều giun đất để chữa bệnh cơ” – ông Khanh cho biết.
Tuy nhiên, cho dù đã “liều chết” ăn ngót trăm con thạch sùng, sức khoẻ của ông Khanh vẫn không tiến triển. TS Trần Văn Thuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư cho biết, khoa học chưa từng ghi nhận các cách nuốt thạch sùng sống, giun sống có thể chữa được bệnh ung thư.
Tại Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư từng cấp cứu cho một bệnh nhi 9 tuổi vì cha mẹ cho bé nuốt thạch sùng sống để chữa bệnh đái dắt. Tuy nhiên con thạch sùng đã hoảng loạn chui vào khí quản (chứ không phải thực quản) khiến bé bị đau đớn, khó thở. Các bác sĩ cho biết rất may thạch sùng chạy vào phổi chứ nếu nằm ở khí quản thì bệnh nhi có thể tử vong vì ngạt thở. Mỗi năm, bệnh viện đều cấp cứu 2-3 ca nuốt thạch sùng nhưng bị con vật này chạy vào đường thở gây ngạt.
Sờ tay người chết chữa mụn cóc Chị Nguyễn Thị Hồng (Hoà Bình) bị mọc nhiều mụn cóc ở cổ, mặt. Có nhiều lúc ngứa chị gãi đến chảy máu, rất khó chịu, xấu xí. Bà ngoại chị mách nên đi rình nhà nào có đám thì đến sờ tay người chết thì mụn sẽ biến mất. “Khi hàng xóm có người mất, tôi đã đến bên giường, cầm tay người chết, cọ đi cọ lại mấy lần rồi bảo: “Xin cụ mang cả mụn cóc đi cho cháu”, rồi quay đầu chạy thẳng. Bà tôi dặn phải như thế mới thiêng” – chị Hồng cho biết. Nỗi sợ hãi cảm giác lạnh lẽo của người chết còn đeo đẳng chị Hồng đến bây giờ. Tuy nhiên sau đó mụn cóc vẫn còn nguyên. Sau đó, chị Hồng cũng đi rình đám ma để đến “chữa mẹo” vài lần nữa nhưng không khỏi. Gần đây, dành được tiền, đi đốt laze, chị mới thoát khỏi những vết mụn xấu xí. Để chữa mụn cóc, dân gian còn truyền miệng vài mẹo khác nhưng đều liên quan đến “người chết” như nhặt vàng mã trong đám ma chà vào vết mụn rồi khấn “Cóc rụng, cóc rụng” sẽ hết mụn. Hoặc chà tay vào ván thôi (miếng ván quan tài sau khi cải táng) thì mụn cũng bỗng dưng biến mất. Còn có cách khác là dùng máu lươn bôi lên vùng bị mụn… Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) thừa nhận dân gian có nhiều cách chữa mụn cóc và cũng có người sau khi áp dụng các biện pháp như vậy thì hết mụn. Tuy nhiên đó có thể là tình cờ bệnh khỏi nên mụn cóc biến mất. Còn chưa có ghi nhận, kiểm định nào về hiệu quả của các cách chữa bệnh dân gian đó. Mụn cóc lành tính nhưng có thể lây và tái phát nhiều lần nên khi bị mụn cóc, người bệnh nên đến bệnh viện để sớm được điều trị. |