Nhu cầu làm đẹp của con người luôn chính đáng với mong muốn cải thiện bản thân, nâng cao chất lượng sống và tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Nhưng nếu làm đẹp không đúng nơi, đúng chỗ có thể dẫn đến những hệ lụy nặng nề từ việc phẫu thuật thẩm mỹ bị... hỏng.
“Chỉ mong khuôn mặt trở lại bình thường”
Gần đây, Khoa Da liễu- Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện 198 liên tiếp tiếp nhận hai bệnh nhân nữ, N.K.A, 19 tuổi và Đ.T.T.H. 25 tuổi vào viện trong tình trạng má bên phải sưng, sờ thấy có cục, bóp thấy có mủ chảy ra. Hai bệnh nhân cho biết, sau 10 ngày thực hiện tạo má lúm đồng tiền tại cơ sở thẩm mỹ tư nhân thì thấy xuất hiện sưng, đau, nhức tại vị trí tạo lúm. Ban đầu, cả hai người đều điều trị tại nhà với thuốc chống viêm alphachoay nhưng tình trạng không thuyên giảm nên lo lắng mới vào viện.
Theo ThS.BS. Đỗ Xuân Khoát, Trưởng Khoa Da liễu- Miễn dịch lâm sàng cho biết, hiện tượng này xuất hiện là do nhiễm khuẩn như không tuân thủ quy trình tiệt khuẩn dụng cụ hay sử dụng chất liệu không đảm bảo tiệt khuẩn khi thực hiện thủ thuật tạo má lúm đồng tiền. Nhiễm khuẩn này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong.
May mắn cho A. và H. là đến viện sớm khi mới có nhiễm khuẩn tại chỗ nhưng sau khi điều trị, má trái của hai bạn không có lúm như mong muốn ban đầu mà hình thành một vết sẹo sâu, giống như một cái “hố” trên khuôn mặt. N.K.A buồn rầu nói, không biết lúc đó ma xui quỷ khiến thế nào em lại đi tạo lúm đồng tiền, giờ thì em chỉ mong muốn khuôn mặt trở lại bình thường như trước.
PTTM cũng có thể có kết quả không như mong muốn.
Nhiều hệ lụy nặng nề
PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có tay nghề cao, được đào tạo bài bản để đạt được mục đích cao nhất của làm đẹp là an toàn và thẩm mỹ. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ do ham rẻ hoặc tiết kiệm thời gian mà tìm đến những cơ sở không đảm bảo chất lượng dẫn đến phẫu thuật thẩm mỹ hỏng và nhiều hệ lụy khác. Cụ thể, những hệ lụy đó là:
Kết quả không như mong muốn: Khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, không ai mong muốn kết quả trở nên xấu hơn ban đầu hay phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể xảy ra nếu được thực hiện bởi bác sĩ không có chuyên môn cao. Chẳng hạn nâng mũi bằng silicon dẻo nhưng vị trí đặt không đúng khiến sống mũi bị lệch hay bị sưng phồng môi khi bơm chất làm đầy do bị dị ứng...
Rối loạn tâm lý: Mỗi người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ với những lý do khác nhau nhưng khi không đạt được kết quả như kỳ vọng có thể khiến họ bị rối loạn tâm lý như trầm cảm, chán nản, thậm chí tự vẫn như trường hợp của một nữ sinh Thái Lan năm 2012, một giáo viên người Anh năm 2013 hay một sinh viên 23 tuổi tại Hàn Quốc...
Những biến chứng đáng sợ: Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ bao gồm tất cả những nguy cơ của một ca mổ bình thường mà còn có những nguy cơ phụ thêm khá nặng nề. Gần 1/4 (24%) số người Anh đi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) gặp phải những biến chứng trong hoặc sau phẫu thuật. Trong những biến chứng đáng lo ngại của phẫu thuật thẩm mỹ thì tử vong là điều đáng sợ nhất. Nguyên nhân dẫn đến tử vong thường là do nhiễm khuẩn. Ngoài ra cũng có thể do chảy máu ồ ạt ở những bệnh nhân mắc chứng máu khó đông hay các trường hợp sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó là các biến chứng khác về sẹo, vận động...
Lời khuyên của chuyên gia thẩm mỹ
Để tránh những hệ lụy do phẫu thuật thẩm mỹ hỏng gây ra, PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng khuyên rằng, mỗi người thực hiện thẩm mỹ, dù là nam hay nữ giới nên sáng suốt lựa chọn cho mình cơ sở y tế có uy tín và bác sĩ có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình. Đặc biệt, đối với những trường hợp thẩm mỹ cần gây mê toàn thân như tạo hình thành bụng, căng da mặt... thì cần đến cơ sở y tế có các chuyên khoa sâu như cận lâm sàng, hồi sức cấp cứu, gây mê... để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước khi phẫu thuật, được gây mê an toàn cũng như được xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Theo suckhoedoisong.com