“Hôm nay thấy con có thể tự ăn được cháo, tinh thần vui vẻ, tôi mừng lắm. Cảm ơn các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã mang lại cuộc sống cho cháu một lần nữa”, mẹ bệnh nhân S. nghẹn ngào chia sẻ.
Sau 8h phẫu thuật, ca mổ đã thành công trong niềm vui của gia đình bệnh nhân và các thầy thuốc
Theo lời kể của gia đình, cách đây hơn 1 năm do mâu thuẫn trong cuộc sống cá nhân, K.V.S đã uống hóa chất tẩy rửa bồn cầu để kết thúc cuộc sống, được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu. Hậu quả khiến cho đường tiêu hóa trên của bệnh nhân bị bỏng nặng, quá trình tổn thương tiến triển nặng dần, từ không nuốt được thức ăn đặc đến 3 tháng trở lại đây ngay cả nước cũng không uống được! Bệnh nhân đã đi nhiều cơ sở y tế ở thủ đô Viên Chăn - Lào, đã thực hiện nhiều phương pháp điều trị tại Việt Nam từ nong thực quản, đặt stent nhưng đều không hiệu quả.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân, PGS.TS.BS Trần Mạnh Hùng cho biết: Cháu K.V.S vào viện với chúng tôi cách đây 2 tháng trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Từ một cô gái khỏe mạnh, 74 kg đến lúc nhập viện chỉ còn 34 kg, không còn sức sống. Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp thăm dò và thống nhất với chẩn đoán: Bệnh nhân bị bỏng toàn bộ đường tiêu hóa trên do chất ăn mòn gây co rút, chít hẹp và thắt chặt toàn bộ thực quản. Quá trình này đòi hỏi phải thực hiện kỹ thuật tạo hình đường tiêu hóa trên rất phức tạp. Đứng trước một bệnh nhân với tình trạng bệnh lý nặng nề mà tuổi đời còn rất trẻ, bài toán đặt ra cho các bác sĩ là làm thế nào để giúp một bệnh nhân mới có 23 tuổi có thể trở lại cuộc sống bình thường? Đó là câu hỏi hóc búa và cũng là thách thức và nhiệm vụ của ê-kíp phẫu thuật mà đứng đầu là PGS.TS.BS Trần Mạnh Hùng đặt ra.
PGS.TS.BS Trần Mạnh Hùng (mặc áo blue, cầm phim X.Q) và ê-kip phẫu thuật thăm khám cho bệnh nhân K.V.S
Một quyết định được đưa ra: phẫu thuật mở thông dạ dày để nuôi dưỡng tích cực qua đường tiêu hóa, khi tình trạng toàn thân của bệnh nhân cho phép sẽ phẫu thuật cắt thực quản và tạo hình lại đường tiêu hóa trên. Sau một tháng nỗ lực nuôi dưỡng qua mở thông dạ dày, tình trạng toàn thân của người bệnh được cải thiện dần, cân nặng của bệnh nhân đã tăng 10 kg, chỉ số BMI đảm bảo tiêu chuẩn để tiến hành ca phẫu thuật lớn.
Ngày 23/4/2024 PGS Hùng cùng ê-kip đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt thực quản và tạo hình lại đường tiêu hóa trên cho bệnh nhân. Ca mổ gặp không ít khó khăn do thực quản bị bỏng, làm mất các mốc giải phẫu ở trung thất sau. Nhưng với trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc, sau 8h phẫu thuật ca mổ đã thành công. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến thuận lợi, ngày thứ 8 sau mổ đã có thể tự ăn cháo. Sau nhiều tháng không thể tự ăn uống được, bây giờ đã có thể tự ăn cháo, uống nước, tự sinh hoạt - một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là mơ ước của K.V.S và gia đình em suốt hơn một năm nay. Ngày 8/5/2024 bệnh nhân đã khỏe mạnh, có thể tự ăn cơm, tinh thần thoải mái, vui vẻ, được xuất viện trong niềm vui của gia đình, bệnh nhân và các thầy thuốc.
BS Hùng (bên trái) và BS Kiên (bên phải) thăm khám cho bệnh nhân trước khi được xuất viện
Đánh giá về ca bệnh này, PGS.TS.BS Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh: Để có được thành công của ca bệnh này, người thầy thuốc cần chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản từng bước, lựa chọn những phương án xử lý an toàn và hiệu quả ngay từ ban đầu. Và yếu tố quyết định đối với những ca phức tạp như thế này thì cần phải có đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn, bản lĩnh và cả sự sáng tạo. Thành công của ca mổ không chỉ mang ý nghĩa chuyên môn mà còn thể hiện tình cảm gắn bó, thắm thiết anh em giữa Việt Nam và Lào.
Bài, ảnh: Mai Thanh