Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Phối hợp nhiều kỹ thuật cao cứu sống bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn

Đột ngột bị ngừng tim khi đang nằm nghỉ, anh Hồ Huy Cường được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng với sự quyết tâm của các bác sĩ và nhiều kỹ thuật cao được thực hiện, bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục và trở về giữa vòng tay yêu thương của gia đình và các thầy thuốc.

TS.BS Nguyễn Hữu Quân - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân Hồ Huy Cường là một thanh niên trẻ, mới 25 tuổi, có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh nhân làm nghề lái tàu biển. Thời điểm đó, bệnh nhân đến thăm người bác đang điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ngày 8.2 (27 Tết), bệnh nhân đang nghỉ ở nhà trọ của gia đình thì đột ngột bị ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện K cấp cứu trong tình trạng đã ngừng tim với hi vọng sống rất mong manh. Sau hơn 1h được các bác sĩ cấp cứu, ép tim liên tục, sốc điện nhiều lần, nhịp tim của bệnh nhân đã được tái lập nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê rất sâu, huyết áp không đo được, các chỉ số sinh tồn vô cùng xấu. Với phương châm còn nước còn tát, ngay lập tức các bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện K đã hội chẩn qua điện thoại với PGS.TS. Nguyễn Văn Chi của Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai và bệnh nhân nhanh chóng được chuyển sang Bạch Mai - Nơi có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và các kỹ thuật cao để cứu sống bệnh nhân.

PGS Nguyen Van Chi tham kham cho bn

PGS.TS Nguyễn Văn Chi thăm khám cho bệnh nhân 

Khi bệnh nhân đến Bạch Mai, mặc dù nhịp tim đã được tái lập nhưng tình trạng bệnh nhân rất nặng: Hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm, toan chuyển hóa nặng, đồng tử giãn hoàn toàn, huyết áp tụt, tình trạng sốc nặng. Bệnh nhân được thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, đặt dụng cụ theo dõi huyết động. Xác định tính chất nghiêm trọng của ca bệnh này, một cuộc hội chẩn nhanh chóng được diễn ra do PGS.TS Nguyễn Văn Chi chủ trì, hội chẩn thống nhất với đánh giá: “Vấn đề quan trọng nhất của bệnh nhân lúc này là phải cứu cho được não, giải quyết toan hóa, suy đa phủ tạng, sốc không hồi phục. Tim đã đập trở lại nhưng não không cứu được thì bệnh nhân sẽ sống thực vật”. Kỹ thuật hạ thân nhiệt theo đích (TTM) nhanh chóng được triển khai để bảo vệ não cho bệnh nhân. Kỹ thuật này đã được triển khai thường qui tại trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai từ nhiều năm nay, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân hôn mê, tổn thương não sau ngừng tuần hoàn cũng như sau chấn thương sọ não nặng hoặc các bệnh lý tổn thương não cấp khác.

Phối hợp với kỹ thuật hạ thân nhiệt, nhiều kỹ thuật cao khác được triển khai như lọc máu hấp phụ, kiểm soát huyết động, thở máy kỹ thuật cao, kiểm soát toan kiềm,…Ngày thứ 3, sau khi kết thúc kỹ thuật hạ thân nhiệt, giảm và cắt thuốc an thần, giãn cơ, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tốt hơn, huyết động ổn định, hết tình trạng toan hóa, các tổn thương phủ tạng ổn hơn, ý thức hồi phục dần, ngày thứ 5 sau can thiệp bệnh nhân được rút nội khí quản thành công, tự thở tốt, giao tiếp được, ngày thứ 8 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn về ý thức và vận động, bệnh nhân tự đi lại và nói năng giao tiếp bình thường, bệnh nhân được chuyển sang chuyên khoa tim mạch tiếp tục tìm căn nguyên ngừng tuần hoàn, phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Cac bs TTCC A9 tham kham cho bn

PGS.TS Nguyễn Văn Chi và các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 hội chẩn tại giường cho bệnh nhân

Đánh giá về ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, đồng tử giãn hoàn toàn, huyết áp không đo được, toan hóa nặng, thuốc vận mạch liều rất cao,...rất nhiều liệu pháp rất phức tạp phải đồng thời thực hiện, nhiệm vụ cứu não bệnh nhân được ưu tiên. Việc phối hợp nhiều kỹ thuật cao như kỹ thuật hạ thân nhiệt theo đích (TTM), kỹ thuật lọc máu, kỹ thuật kiểm soát huyết động, kỹ thuật thở máy tiên tiến, kỹ thuật kiểm soát thăng bằng toan kiềm,..là điều kiện tiên quyết để cứu sống bệnh nhân này. Nếu không sử dụng phối hợp nhiều kỹ thuật cao thì tiên lượng của bệnh nhân vô cùng khó khăn, ít có cơ hội được cứu sống.

Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về đảm bảo chuyên môn tốt nhất trong điều kiện vừa đón Tết vừa chống dịch, toàn bệnh viện đã luôn sẵn sàng cao nhất cho tất cả trường hợp vào cấp cứu và cần can thiệp các kỹ thuật cao, và luôn đảm bảo thực hiện bình thường. Do đó, các bệnh nhân cần cấp cứu kỹ thuật cao bất kỳ thời điểm nào vẫn được thực hiện ở mức độ tốt nhất. Mặc dù bệnh nhân được đưa đến vào thời điểm sát Tết (27/12 âm lịch) nhưng khi có chỉ định, bệnh nhân đã nhanh chóng được thực hiện các kỹ thuật cao để giải quyết tình trạng cấp cứu nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn khẩn trương cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được cứu sống và trở về đoàn tụ với gia đình, xã hội.

 

Cac bs TTCC A9 chuc mung bn

Các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 chúc mừng bệnh nhân khỏe mạnh, được trở về đoàn tụ cùng gia đình

“Đây là một trong rất nhiều bệnh nhân nặng, khó cần phối hợp nhiều kỹ thuật cao trong cùng một thời điểm để cứu chữa mà chúng tôi gặp hàng ngày mang lại hiệu quả điều trị cao, chúng tôi rất vui khi trả bệnh nhân về với gia đình khi vẫn còn đang đón một mùa xuân mới. Tuy nhiên điều đặc biệt của bệnh nhân này là vào thời điểm giáp Tết, tình hình dịch Covid - 19 đang vô cùng căng thẳng, bệnh viện Bạch Mai đã cử cán bộ, chuyên gia đến các tâm dịch của nhiều địa phương để hỗ trợ công tác chống dịch nhưng vẫn đảm bảo lực lượng tại “sân nhà” để thực hiện các kỹ thuật cao, đặc biệt là các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm là trong điều kiện dịch bệnh nhưng công tác chuyên môn và các kỹ thuật cao của Bệnh viện Bạch Mai vẫn được triển khai thường quy để cứu chữa cho người bệnh”, PGS. Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image