Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai trao quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Cầu nối giữa bệnh viện - người bệnh – xã hội
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 43/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Điều này đã giúp các bệnh viện không chỉ có vai trò khám chữa bệnh mà trở thành cầu nối, nơi chia sẻ của bệnh nhân với cộng đồng, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh.
Công tác xã hội y tế là sự kết nối giữa nhu cầu “được cho đi” và nhu cầu “mong nhận được” về chăm sóc sức khỏe. Chăm sóc bệnh nhân về mặt xã hội là mô hình chăm sóc bệnh nhân toàn diện, kết hợp Y tế - Tâm lý - Xã hội.
Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai thành lập ngày 28/5/2015, mới ra đời được gần 7 tháng nhưng phòng công tác xã hội đã phát huy được vai trò của phòng. Hiện nay, phòng có một trưởng phòng và 3 tổ gồm tổ quản lý hành chính và nguồn lực, tổ truyền thông và quan hệ công chúng, tổ trợ giúp và chăm sóc khách hàng.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai cho biết đến nay phòng công tác xã hội đã thể hiện được vai trò của mình tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân, quan hệ công chúng và tổ chức từ thiện như phát cháo tình nguyện, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ bệnh nhân. Đến nay, tổng số tiền kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt là 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, phòng còn hỗ trợ bệnh nhân xin miễn giảm viện phí từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện 204 triệu đồng.
Kết nối với các tổ chức xã hội giúp đỡ bệnh nhân. Có lẽ kỷ niệm khó quên nhất đó là phòng đã hỗ trợ 3 bệnh nhân vô thừa nhận tìm người thân. Các thông tin về bệnh nhân khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt được phòng thường xuyên cập nhật trên fanpage của mình để kết nối với cộng đồng.
Nhân viên của phòng còn đứng ra trực tiếp tư vấn về BHYT cho bệnh nhân, hướng dẫn hoàn tất thủ tục làm việc với cơ quan BHXH để được vận dụng chế độ đồng chi trả.
Ngoài nhiệm vụ xã hội, phòng công tác xã hội của bệnh viện Bạch Mai còn thường xuyên truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân qua kênh y học thường thức trên website, qua hệ thống màn hình LCD, Câu lạc bộ bệnh nhân…
Tại Hà Nội, bệnh viện đầu tiên thành lập phòng công tác xã hội đó là bệnh viện Nhi trung ương. Qua hơn 7 năm thành lập với 7 cán bộ, đến nay phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi thực sự đạt hiệu quả cao trở thành biểu mẫu cho nhiều bệnh viện khác. Phòng đã được đi báo cáo cả ở 3 miền bắc – trung - nam về hoạt động của phòng.
Các hoạt động Công tác xã hội ở đây khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác... và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhi các suất ăn từ thiện cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên công tác xã hội sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Trợ giúp các y, bác sỹ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác. Vận động cộng đồng giúp đỡ các suất cơm, cháo và kinh phí điều trị cho những BN có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Triển khai và duy trì thực hiện các dự án lớn hỗ trợ cho các bệnh nhi. Ngoài ra, nhân viên của phòng còn vận động và đón nhận các phần quà, trang thiết bị y tế của cộng đồng hỗ trợ bệnh viện...
Đặc biệt, các bệnh nhi không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi bệnh viện trong những ngày lễ tết. Phòng sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp Lễ, Tết lớn như: chương trình Trung Thu Hồng, Giáng Sinh Hồng dành cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi.
Đến nay, phòng công tác xã hội của bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhi. Hàng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất ăn cơm, cháo sẽ được phòng cập nhật công khai trên website của bệnh viện. Mô hình này càng khẳng định sự cần thiết của nghề công tác xã hội ở bệnh viện.
Trong năm 2015, có thêm nhiều phòng công tác xã hội của các bệnh viện lớn ra đời như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện K trung ương, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương…
Nhiều bệnh viện rục rịch thành lập
Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương chia sẻ hiện nay bệnh viện chưa thành lập phòng Công tác xã hội nhưng mọi sự chuẩn bị đã gần hoàn tất. Dự kiến, bệnh viện sẽ thành lập phòng công tác xã hội theo hướng dẫn thông tư 43 của Bộ Y tế.
Dù chưa thành lập được phòng Công tác xã hội nhưng phía bệnh viện đã chủ động kết nối mô hình bệnh nhân – bác sĩ và xã hội. Giáo sư Hải cho biết “sắp tới, bệnh viện sẽ tổ chức mổ miễn phí hoàn toàn cho một bệnh nhân bị khối u mặt khổng lồ hoàn toàn miễn phí. Chi phí ăn ở cũng do bệnh viện lo được trích từ quỹ của Bệnh viện. Hi vọng đây là bước đệm để thành lập phòng công tác xã hội cho bệnh viện”.
Tương tự, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố cũng đang chuẩn bị nhân lực để thành lập phòng công tác xã hội.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Quý Tường – Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh Bộ Y tế cho biết công tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế.
Hiện nay ở một số bệnh viện đã có mô hình công tác xã hội và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị.
Tổ công tác xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.
Ông Tường khẳng định với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên. Có thể nói rằng, nếu công tác xã hội tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc.