“Không biết con mình bị gì rồi?” là một chủ đề trên diễn đàn của các bậc cha mẹ. Chuyện là sau kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, đến mục rút - nộp hồ sơ để chọn trường, một phụ huynh nhận ra con gái gần như “tưng tưng”.
Khi kỳ vọng thành ám ảnh
Cô bé mất ngủ liên miên. Có hôm đã 2 giờ mà phòng con vẫn còn sáng đèn, mẹ cô bé mở cửa ra thì thấy con đang... ngồi chăm chăm xem trang web của trường ĐH dù rạng sáng làm gì có trường nào cập nhật thông tin xét tuyển.
Một lớp học kỹ năng sống tại TP HCM thu hút đông đảo học sinh tham gia
Cả ngày, cô bé cũng ôm riết điện thoại di động. Ban đầu, người mẹ tưởng con nhắn tin với bạn nên la rầy, sau mới phát hiện con đang theo dõi vụ trường lớp đến hàng chục lần mỗi ngày. “Nó chọn một trường kinh tế tốp đầu. Đó là do tôi luôn muốn con mình học trường tốt, sau này ra kiếm được nhiều tiền, không phải khổ như cha mẹ nó. Nhưng giờ tôi chỉ cần con bé bình thường, đã 4 ngày không ngủ rồi, trường nào cũng chẳng quan trọng nữa” - chị chia sẻ.
Tại Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương I (Hà Nội), có nhiều em đến điều trị các vấn đề về tâm lý. Các em thường gặp các triệu chứng mất ngủ, lo âu, xa lánh mọi người, học hành sa sút kèm các cơn đau cơ, đau ngực, đau bụng “vu vơ” không rõ bệnh lý.
BS Nguyễn Đăng Luyện, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh tổng hợp, vừa khám cho một nữ sinh đang học lớp 11 ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Bệnh nhân này bị chứng mất ngủ kéo dài, không tiếp xúc với người khác mà thường ngồi một mình trên sân thượng, người nhà hỏi tại sao cũng không nói trong khi trước đó, tính tình của em rất sôi nổi. Kết quả tư vấn và điện não đồ cho thấy em bị trầm cảm dạng nhẹ. Theo BS Luyện, nếu gia đình không quan tâm, tìm cách tháo gỡ thì những trường hợp như nữ sinh này sẽ tự làm hại bản thân bằng cách tự cứa tay, châm các điếu thuốc lá đang cháy lên người, thậm chí tự sát...
Trầm cảm nặng vào mùa thi
Đặc biệt, cứ đến mùa thi là số bệnh nhân trầm cảm vì học hành lại gia tăng. Gia đình thấy con mình lơ ngơ, ít nói cười thì lo lắng đưa đi khám. Nhưng cũng có em giấu bố mẹ tự tìm đến bác sĩ vì bỗng nhiên cảm thấy “em sắp phát điên”, đi ngủ cũng mơ thấy bài, đọc bài mà không hiểu mình đang đọc cái gì. Em cho biết nếu không đỗ vào trường chuyên, không giành được học bổng thì bố mẹ sẽ đuổi em ra khỏi nhà. Hay có những em bị áp lực học hành ám ảnh tới mức rối loạn tri giác, nghe như có ai thúc giục nên 3-4 giờ đã chuẩn bị cặp sách đến trường.
Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước và sau mùa thi cũng tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện điều trị chứng trầm cảm, lo âu do áp lực thi ĐH. Phần lớn những em nhập viện điều trị đều là nữ sinh ngoan, có học lực khá, chỉ vì gia đình và nhà trường đặt quá nhiều kỳ vọng nên khi không đạt kết quả cao thì rơi vào trầm cảm. Ngoài ra, áp lực vào các trường chuyên, lớp chọn cũng khiến nhiều học sinh ngày càng thu mình hơn và rơi vào tình trạng mất ăn mất ngủ, thậm chí là mất dần nhận thức về các sự việc xung quanh...
“Nhiều trường hợp phải nhập viện vì trầm cảm nặng, phải điều trị lâu dài, chỉ đến khi nghe bác sĩ chuyên khoa tư vấn, kết luận về tình hình bệnh tật thì các phụ huynh mới biết chính mình đã góp phần gây bệnh cho con” - BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần, nói.
Trầm cảm được cho là nguyên nhân quan trọng “thổi bùng” hành vi tự tử trong giới trẻ trước những sang chấn tâm lý, những cú sốc đầu đời. Ở độ tuổi này, các em chưa có nhiều kỹ năng sống nên dễ bị tổn thương, khi gặp những sự cố nhỏ lại xem đó là sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm. Chính vì thế, phần lớn số người tự tử có liên quan đến rối loạn trầm cảm. Tất cả những rối loạn này nếu không được phát hiện sớm và có kế hoạch can thiệp, điều chỉnh kịp thời bằng chế độ học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, chúng sẽ tiếp tục làm nảy sinh những rối loạn ở mức độ cao hơn. Ý tưởng tự sát xuất hiện và hành vi tự sát để kết thúc tất cả mệt mỏi, chán chường được người trẻ lựa chọn như một phương án tối ưu. Cho đến nay, giải pháp đơn giản nhất là tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân. Gặp trường hợp nặng, thầy thuốc sẽ phải dùng thuốc chống trầm cảm.
“Tôi từng gặp nhiều ca stress cấp tính/stress trường diễn, rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí có ý tưởng hay hành vi tự tử, có ý nghĩ chán sống... cũng từ áp lực học hành, thành tích mà ra. Nếu thực sự các em có các biểu hiện này, phụ huynh nên tìm đến chuyên gia ngay vì bất cứ rối loạn tâm thần, tâm lý nào càng để lâu thì càng trầm trọng và khó lường hơn” - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, nói.
15% trẻ em gặp vấn đề về tâm thần Theo BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, điều tra tại một số trường tiểu học và THCS ở Hà Nội cho thấy hơn 15% trẻ em từ 6-14 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Nguyên nhân là do áp lực học tập, bạo lực gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm hoặc các em gặp các cú sốc tâm lý như mâu thuẫn với bạn bè, thất bại trong tình cảm... Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ, thầy cô đều không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà cho rằng con quậy quá, nghịch ngợm, dậy thì nên biến đổi tâm lý. |
Nguồn nld.com.vn