Responsive Image

DetailController

Các kỹ thuật mới triển khai

Robot MAKO - Cánh tay thứ ba của phẫu thuật viên

Chào mừng Đại hội Chấn thương chỉnh hình (CTCH) Đông Nam Á lần thứ 37 và Hội nghị khoa học thường niên Hội CTCH Việt Nam lần thứ 16, ngày 6/10/2017, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra Hội thảo "Ứng dụng robot Mako trong phẫu thuật thay khớp gối bán phần và phẫu thuật thay khớp háng toàn phần".

Đến dự buổi lễ, về phía Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam có BSCK II. Trần Thanh Mỹ - Phó chủ tịch Hội. Về phía chuyên gia có: Giáo sư Ton Tran đến từ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Monash Health, Australia. Về phía Bệnh viện Bạch Mai có PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện cùng các đồng chí trong Ban giám đốc, Lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo giáo sư, bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

GĐ phat bieu 6.10

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - AHLĐ, Giám đốc bệnh viện nhấn mạnh: “Trong những năm vừa qua Bệnh viện Bạch Mai đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CTCH và bước đầu thu được nhiều kết quả cũng như kinh nghiệm quý báu khi thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác. Các phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác tại Bệnh viện Bạch Mai được phân thành 3 mảng lớn, bao gồm: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị trong mổ (C-arm, O-arm & định vị không gian 3 chiều, Navigation) và phẫu thuật thay khớp dưới sự hỗ trợ của cánh tay robot MAKO.

Hệ thống thay khớp có hỗ trợ của Robot MAKO bắt đầu được triển khai tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 6 năm 2017, cho tới nay đã có hơn 50 bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật thay khớp có Robot MAKO hỗ trợ và đã cho thấy những ưu điểm vượt trội, nhất là trong phẫu thuật thay khớp gối bán phần. Trong các phẫu thuật thay thế khớp thì phẫu thuật thay thế khớp gối đòi hỏi sự chính xác cao nhất vì biên độ vận động khớp lớn, trục truyền lực qua khớp không phải là trục giải phẫu thông thường, cấu trúc khớp đòi hỏi sự chính xác theo 3 chiều không gian.Việc ứng dụng Robot MAKO nhằm đảm bảo chính xác 2 quá trình: các lát cắt xương chính xác và cân bằng phần mềm.

GS ton tran kham cho BN 2

GS Ton Tran thăm khám cho BN Đào Thị Thắng trước khi phẫu thuật

Sau khi được sàng lọc, lựa chọn - bệnh nhân Đào Thị Thắng, 64 tuổi tại Văn Lâm, Hưng Yên là 1trong 2 bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp gối bằng hệ thống robot MAKO trong buổi phẫu thuật trình diễn sau hội thảo. Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối 2 bên và đã được phẫu thuật thay khớp bên phải ngày 14.9. Từ chỗ không thể đi được, đứng lên cũng phải có người giữ, đến nay bệnh nhân đã có thể tự đi lại được với nụ cười rạng rỡ. 2 tiếng sau ca phẫu thuật thay khớp gối bên trái bằng robot MAKO, bệnh nhân đã có thể tự đứng lên và đi lại trên đôi chân của mình.

 TS. Hoàng Gia Du - Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Robot MAKO giúp phẫu thuật viên lên kế hoạch, xác định chính xác vị trí, chất liệu, kích thước của khớp sẽ đưa vào thay thế, xác định vị trí đặt khớp theo không gian ba chiều dựa trên cấu trúc và giải phẫu thực tế của từng bệnh nhân. Robot kiểm soát, hỗ trợ việc cắt xương và đặt khớp nhân tạo, tối đa hóa kết quả ca phẫu thuật thay khớp đem lại sự hài lòng lớn nhất cho bệnh nhân sau mổ”.

Việc ứng dụng hệ thống Robot trong phẫu thuật tại bệnh viện Bạch Mai đánh dấu 1 bước phát triển vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ cao vào công tác điều trị chăm sóc người bệnh của bệnh viện.  MAKO là hệ thống Robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay về lĩnh vực khớp, được sản xuất tại Mỹ đã được Bộ Y tế đánh giá và phê duyệt cho phép thực hiện điều trị cho người lớn tại bệnh viện Bạch Mai. Hệ thống Robot phẫu thuật MAKO đã thể hiện những ưu thế nổi bật, được coi như cánh tay thứ 3 của phẫu thuật viên, cho phép các bác sỹ tiến hành phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao, hiệu quả, an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.

toan canh hoi thao

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đại hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á lần thứ 37 và Hội nghị khoa học thường niên Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam lần thứ 16 năm nay với chủ đề: “Phẫu thuật ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình” được xem là xu thế hiện nay của ngành CTCH trên thế giới, do đó chủ đề năm nay mà Hội nghị đưa ra có thể coi là một bước phát triển tất yếu, là hướng đi đúng đắn cho chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Phẫu thuật ít xâm lấn có nhiều ưu điểm: Đường mổ – sẹo nhỏ hơn, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh, đau sau mổ ít hơn và ít biến chứng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của các phẫu thuật này: Phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu và cần đầu tư cơ sở vật chất lớn, trang thiết bị phức tạp, kỹ thuật tốn kém, đắt tiền – đây là một thách thức lớn đối với hầu hết các Bệnh viện.

Tại Việt Nam, lĩnh vực phẫu thuật CTCH trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn và chiếm được niềm tin yêu củangười bệnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phẫu thuật trong đó phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác đã thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận của các nhà lâm sàng trong khám và điều trị cho người bệnh, mở ra một hướng đi mới cho chuyên ngành CTCH với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị ngang tầm Quốc tế với chi phí điều trị Việt Nam.

                                                                                                 Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image