PV: Xin chị chia sẻ đôi chút cảm xúc của mình khi labo của Khoa Hóa sinh được nhận chứng chỉ ISO 15189 ?
DSCKII. Nguyễn Thị Hương: Vâng, có thể nói là rất vui. Sau hơn một năm nỗ lực, biết bao khó khăn, trở ngại, áp lực cuối cùng chúng tôi đã thành công. Đầu tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức, cảm ơn sự quan tâm của Ban giám đốc và các đơn vị trong Bệnh viện Bạch Mai đã ủng hộ, hỗ trợ chúng tôi và đặc biệt là CBCNV của Khoa Hóa sinh đã cố gắng hết mình để có được thành quả hôm nay.
PV: Xin chị cho biết đôi nét về Chứng chi ISO 15189?
DSCKII. Nguyễn Thị Hương: ISO 15189 là một hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế dành cho các labo y học nhằm đánh giá năng lực và kỹ thuật xét nghiệm của labo, hướng tới mục tiêu duy nhất là cung cấp các kết quả xét nghiệm đảm bảo độ tin cậy, đồng nhất. ISO 15189 lần đầu tiên được đưa ra năm 2003(ISO/IEC), phiên bản sửa đổi năm 2007 dựa trên các đặc điểm đặc biệt của labo lâm sàng: là một ngành nghề đặc biệt nhạy cảm, rủi ro cao. Mẫu xét nghiệm lấy từ con người, kết quả ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chẩn đoán, điều trị và tinh thần của bệnh nhân. Xét nghiệm được làm từ nhiều phương pháp, hơn nữa, thời gian trả kết quả cần nhanh, kết quả chính xác... Chính vì vậy, tiêu chuẩn ISO 15189 quy định rất chặt chẽ nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm cung cấp cho người sử dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thừa nhận kết quả xét nghiệm ở trong nước cũng như trên thế giới. ISO15189 gồm có hai phần: Yêu cầu về quản lý (15 điều) và yêu cầu về kỹ thuật( 8 điều), trong mỗi điều có thể có nhiều mục nhỏ nữa. Một vấn đề có nhiều tiêu chí để đánh giá. Tất cả mọi hoạt động trong labo phải được văn bản hóa bằng các quy trình cụ thể và đòi hỏi phải được áp dụng chặt chẽ. Chỉ riêng việc xây dựng quy trình Khoa chúng tôi cũng phải nỗ lực trong suốt hơn 1 năm qua.
PV: Như chị đã nói thì đó là công sức và thành quả của tập thể CNCNV Khoa Hóa sinh trong hơn một năm qua. Vậy xin chị cho biết những khó khăn và thuận lợi trong chặng đường 1 năm?
DSCKII. Nguyễn Thị Hương: Trước hết tôi muốn chia sẻ một chuyện vui vui: Ngày đầu khi chúng tôi xin được đánh giá ISO 15189, các anh ở Tổng Cục đo lượng chất lượng đã hỏi chúng tôi thế này: Do hiện tại ở Việt Nam chưa có chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn ISO 15189 đối với labo y học... nên chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài đánh giá và ngay ở nước ngoài việc được cấp ISO cũng rất khó khăn, vậy chị có sợ không? Lúc đó tôi nghĩ rằng dù được hay không được cũng nên thử sức một lần, qua đó có thể đánh giá được năng lực labo của mình. Và khi thấy tôi đồng ý thì các anh ấy cười và nói là tôi rất dũng cảm. Nói như vậy để bạn có thể hình dung là chặng đường 1 năm không hề đơn giản chút nào.
Nói về thuận lợi thì trước hết đó là bề dày lịch sử hơn 50 năm của Khoa Hóa sinh cũng như công lao đặt nền móng của các thầy như GS.DS Lương Tấn Thành hay PGS.TSKH Nguyễn Chí Phi - nguyên trưởng Khoa Hóa sinh - Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó là sự đầu tư, quan tâm đúng hướng của bệnh viện và đặc biệt là Khoa có một đội ngũ bác sỹ, chuyên gia, kỹ thuật viên rất yêu nghề, có trình độ chuyên môn cao cũng như có trang thiết bị hiện đại, tiên tiến và đặc biệt là tâm huyết và sự quyết tâm của ban lãnh đạo cũng như CBCNV của toàn khoa.
Thuận lợi là vậy song khó khăn cũng rất nhiều. Tiêu chuẩn ISO 15189 dành riêng cho các labo lâm sàng phiên bản 2007 có rất nhiều yêu cầu ngặt nghèo, không chỉ về khoa học kỹ thuật, kết quả xét nghiệm, trang thiết bị hiện đại hay mức độ của công nghệ xét nghiệm tiên tiến mà còn rất nhiều lĩnh vực khác, có thể nói là một phạm vi rộng các vấn đề cần xem xét. Tôi chỉ lấy một ví dụ như riêng công tác cán bộ, họ đánh giá rất chi tiết như cán bộ có được đào tạo đúng chuyên môn không? Khi có máy mới nhân viên có được đi học để sử dụng hay không? Trong môi trường độc hại như vậy thì nhân viên có được tiêm chủng, các điều kiện để bảo đảm sức khỏe? ... tức là một vấn đề có rất nhiều tiêu chí để đánh giá. Hay đánh giá về hệ thống quản lý dữ liệu chẳng hạn, trong hàng ngàn xét nghiệm, họ chọn ra một xét nghiệm bất kỳ và trong khoảng thời gian nhất định yêu cầu anh phải chỉ ra được xét nghiệm này được làm vào thời điểm nào, làm từ máy nào ... và tất cả thao tác để làm việc đó đều phải được cụ thể bằng một quy trình dưới dạng văn bản. Như vậy với một phạm vi rộng các vấn đề được đưa vào để đánh giá và mỗi vấn đề là một quy trình chi tiết, thì việc vừa phải xây dựng một hệ thống quy trình vừa đảm bảo công tác chuyên môn hàng ngày đó là khó khăn rất lớn mà cũng chính là nỗ lực rất lớn của tập thể Khoa Hóa sinh trong hơn một năm qua.
PV: ISO 15189 không chỉ khẳng định thương hiệu của Khoa Hóa sinh - Bệnh viện Bạch Mai mà còn là một công cụ quản lý hữu hiệu. Vậy với công cụ đó thì định hướng phát triển của Khoa Hóa sinh trong tương lai thế nào?
DSCKII. Nguyễn Thị Hương: Vâng, lợi ích của việc có được chứng chỉ ISO 15189 chúng ta có thể thấy rất rõ. Đó là mọi hoạt động của Khoa đều được quản lý theo quy trình và cũng nhờ quy trình này mà cũng sẽ dể dàng kiểm soát được toàn bộ hoạt động của Khoa. Mục tiêu của tất cả hoạt động này là kết quả xét nghiệm phải chính xác, tin cậy. Để phát huy tối đa hiệu quả của nó, trước hết chúng tôi sẽ áp dụng một cách toàn diện, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các khoa lâm sàng để kiểm soát các giai đoạn liên quan đến quá trình xét nghiệm như: lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản...theo đúng quy trình, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác tối đa và có thể dễ dàng truy xuất mọi nguồn gốc trong quá trình xét nghiệm. Hơn nữa, với ISO 15189 này chúng tôi dự định sẽ mở rộng hoạt động của mình, tiếp tục phát triển kỹ thuật cao, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ... tất cả đều vì mục đích cuối cùng là chất lượng xét nghiệm ngày càng được nâng cao, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ngày một tốt hơn. Nhưng cũng cần phải nói thêm là: Đạt được ISO đã khó nhưng việc giữ được và tuân thủ theo đúng quy trình của nó cũng không hề đơn giản chút nào. Chứng chỉ ISO 15189 chỉ có giá trị trong 3 năm và theo quy định thì cứ 1 năm Tổng Cục đo lường chất lượng sẽ đánh giá một lần việc áp dụng thực hiện theo tiêu chuẩn ISO và sau 3 năm phải tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ mới.
PV: Là đơn vị đầu tiên trong ngành xét nghiệm đạt ISO 15189, chị có muốn chia sẻ thông tin hay truyền đạt kinh nghiệm gì cho các labo khác trong cũng như ngoài bệnh viện đang phấn đấu để đạt tiêu chuẩn ISO?
DSCKII. Nguyễn Thị Hương: Để phấn đấu đạt ISO thì đầu tiên là lãnh đạo đơn vị phải tìm hiểu rất rõ về ISO, phân tích, đánh giá các điều kiện của đơn vị mình, mặt thuận lợi cũng như khó khăn, các giải pháp hữu hiệu... Tiếp đó là sự định hướng và phân công trách nhiệm cho các thành viên của đơn vị mình trên cơ sở phù hợp với thực tế đơn vị mình để xây dựng các quy trình cụ thể theo tiêu chí của ISO. Sau khâu xây dựng quy trình là phải kiên trì hướng dẫn áp dụng vì thay đổi một thói quen cũ, dù là nhỏ đối với một tập thể không phải là dễ. Nói chung là sẽ không ít khó khăn nhưng cũng rất thú vị bởi những thành quả đạt được từ sự khó khăn và nỗ lực đều đem lại giá trị và niềm vui lớn.
PV: Xin cảm ơn chị
Thanh Hương (thực hiện)