Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Sinh hoạt Câu lạc bộ người nhà người bệnh mắc bệnh tâm thần phân liệt

Chiều ngày 25/03/2016, tại Hội trường Viện Sức khỏe Tâm thần (VSKTT), Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) đã diễn ra chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ người nhà người bệnh mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đây là một trong số những hoạt động nằm trong kế hoạch truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe do Viện Sức khỏe Tâm Thần và Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp tổ chức.

Với mục đích nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho người bệnh vàngười nhà người bệnh tâm thần, Th.S Nguyễn Doãn Phương – Phụ trách Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ “Nếu dựa vào bác sỹ thì kết quả điều trị tốt nhưng chưa đủ. Sự phối kết hợp giữa thầy thuốc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình điều trị là rất quan trọng và sẽ đem lại kết quả tốt nhất cho cả quá trình điều trị.”

Chương trình sinh hoạt gồm 3 nội dung chính: Nhận biết về “Tâm thần phân liệt” của Ths. Nguyễn Văn Phi; “ Chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt” của CN. Trần Thị Thoa; Tư vấn giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân của ThS. Nguyễn Doãn Phương – Phụ trách VSKTT.

12894289_505878359597300_1764080108_o.jpg 12894373_505878266263976_1210388381_o.jpg

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng học tập, làm việc ngày một sút kém, có những hành vi, ý nghĩ dị kỳ, khó hiểu.

Tâm thần phân liệt đặc trưng bởi hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng dưới đây:

  • Các hoang tưởng
  • Các ảo giác
  • Ngôn ngữ rời rạc
  • Hành vi (lố lanh?) quá mức hay căng trương lực
  • Các triệu chứng âm tính

Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể hồi phục và với những người khác thì điều trị có thể làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, với nhiều người thì đó là một bệnh kéo dài dẫn đến những triệu chứng mất hoạt năng trong nhiều năm.

Theo Ths. Nguyễn Văn Phi: “Bệnh nhân tâm thần phân liệt có các triệu chứng dương tính và triệu chứng âm tính, trong đó một số triệu chứng được mô tả như sau:

  • Các triệu chứng dương tính:
    • Hoang tưởng
    • Ảo giác
    • Ngôn ngữ rời rạc
    • Rối loạn tư duy
  • Các triệu chứng âm tính:
    • Giảm động lực
    • Thu mình
    • Thiếu sâu sắc
    • Giảm cảm xúc hay thích thú với mọi việc
    • Phản ứng không phù hợp

Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào tất cả các triệu chứng trên đều rõ ràng.”

Ths. Nguyễn Văn Phi còn cho biết “Có một số  giả thuyết về nguyên nhân gây tâm thần phân liệt, nhưng cho tới nay cơ chế sinh học của tâm thần phân liệt vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ.

  • Tâm thần phân liệt có xu hướng di truyền trong gia đình. Họ hàng đời thứ nhất có khoảng 10% mắc bệnh so với 1% trong quần thể dân số chung.
  • Các sự kiện căng thẳng có thể có trước hoặc làm tăng nguy cơ của những người dễ bị tổn thương với tâm thần phân liệt.
  • Tăng nồng độ dopamine có thể giải thích một vài triệu chứng loạn thần. Sử dụng một số chất ma tuý như cần sa, ectasy, và amphetamine có thể dẫn đến triệu chứng loạn thần tương tự và có liên quan tới sự khởi phát các giai đoạn bệnh.”

Điều trị có thể làm giảm đáng kể và/ hoặc kiểm soát các triệu chứng của tâm thần phân liệt, cho phép bệnh nhân có thể sống có ích và trọn vẹn. Để điều trị tốt cho một BN tâm thần phân liệt chúng ta cần thiết lập một mối quan hệ tốt giữa thầy thuốc, bệnh nhân – gia đình, nhân viên CTXH và cộng đồng.

Về kỹ năng chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt, CN. Trần Thị Thoa chia sẻ: Để hỗ trợ điều trị và chăm sóc có hiệu quả cần phổ biến cho người nhà bệnh nhân nắm vững và thực hiện tốt các nội dung sau:

  • Nhận biết được các biểu hiện của bệnh và cách giải quyết.
  • Thái độ của các thành viên trong gia đình: Tôn trọng, thương yêu, chấp nhận để giúp bệnh nhân xây dựng lòng tự tin và niềm vui trong cuộc sống
  • Nói chuyện với bệnh nhân: Nói những câu ngắn, đơn giản, rõ ràng bằng sự thông cảm; Cho phép bệnh nhân không trả lời hoặc suy nghĩ lâu trước khi trả lời; Hãy lắng nghe dù bệnh nhân nói những điều vô nghĩa.
  • Nên tạo không khí gia đình thoải mái, tránh lộ sự thương hại, đòi hỏi quá ở BN hay quá bận tâm về BN.
  • Động viên khuyến khích BN. ”

Ngoài ra CN. Trần Thị Thoa còn chia sẻ: “Bệnh Tâm thần phân liệt là một bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài, dễ tái phát nên phải thường xuyên đưa người bệnh tái khám và quản lý thuốc, cho người bệnh uống thuốc đầy đủ theo đơn khi điều trị ngoại trú. Hướng dẫn người nhà cách cho người bệnh uống thuốc. Tránh cho người bệnh mệt mỏi, lao động quá sức đề phòng bệnh tái phát”

Trong phần giải đáp thắc mắc, Ths. Nguyễn Doãn Phương đã tư vấn cho BN một số vấn đề:

“Nữ bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt hoàn toàn có thể lấy chồng sinh con. Bởi vì khi mang thai, chính em bé có tác dụng bảo vệ người mẹ đó chống lại bệnh".

Thuốc đông y hoàn toàn không thể chữa được bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh nhân tâm thần phân liệt nói riêng và bệnh nhân tâm thần nói chung hiện nay rất may mắn đã được hưởng tất cả những thành tựu y học tiên tiến của thế giới, vì vậy NB có thể phối hợp thuốc đông y để tăng cường sức khoẻ nhưng không được phép bỏ thuốc tây y và nên tuân theo chỉ định của bác sỹ để có được một kết quả điều trị tốt nhất.

Sử dụng thuốc lâu dài sẽ có những tác dụng phụ nhất định nhưng sẽ giúp khống chế người bệnh để có thể điều trị được hiệu quả. Tỉ lệ tái phát từ 65% - 80% vì thế NB nên duy trì uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.

Còn đối với những người bệnh trong quá trình điều trị tâm thần phân liệt mà mắc phải những bệnh khác, người bệnh vẫn có thể uống thuốc điều trị tâm thần phân liệt bình thường nhưng phải có sự hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

Bên cạnh đó Ths. Nguyễn Doãn Phương còn khuyên người nhà và người bệnh phải tin tưởng và nghe theo những chỉ định của bác sỹ điều trị, vì như vậy sẽ có lợi cho người bệnh – cho gia đình người bệnh – và cho toàn xã hội. Đối với các bác sỹ điều trị, sau khi NB ra về cần dặn dò chu đáo và cho người nhà số điện thoại để khi cần có thể được  tư vấn và trợ giúp kịp thời.

Anh N.N.V (35 tuổi) bố của BN đang điều trị tại M5 Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết: “Hoạt động CLB này rất ý nghĩa, tôi đã được giải đáp những thắc mắc và hiểu hơn về bệnh của con mình. Rất mong có những hoạt động như ngày hôm nay cho BN và người nhà.”

CLB BN là hoạt động mang một ý nghĩa hết sức thiết thực không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân mà còn rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Trong thời gian tới Phòng CTXH và Viện Sức khỏe Tâm Thần sẽ cố gắng để duy trì và phối hợp tổ chức chương trình CLB bệnh nhân định kì mỗi tháng một lần.

Một số hình ảnh của hoạt động:

12873556_505878249597311_711814585_o.jpg

 12874383_505878402930629_1265273894_o.jpg

 

 

Anh Thư 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image