Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tại sao thuốc lại có phản ứng có hại?

Thuốc dùng để phòng bệnh, chữa bệnh là một loại sản phẩm đặc biệt, phải đạt yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, có hiệu quả và an toàn. Để có được tác dụng điều trị mong muốn, trên thực tế nhiều khi cần phải chấp nhận một vài tác dụng phụ có hại của những loại thuốc sử dụng. Tác dụng phụ có hại của thuốc còn được gọi là tác dụng không mong muốn. Vì vậy, khi sử dụng thuốc,song song với việc theo dõi tác dụng điều trị, còn cần quan tâm đến tác dụng có hại hoặc phản ứng ngược của thuốc.

Phản ứng có hại của thuốc là gì?

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và ngành Y học hiện đại, phần lớn các loại bệnh tật đã được con người kiểm soát, đồng thời có khả năng và giải pháp để cứu chữa, điều trị. Trong các khả năng và giải pháp được áp dụng thì thuốc hay dược phẩm đã đóng góp đáng kể vào những tiến bộ to lớn đối với công tác nghiên cứu, tổng hợp, chiết xuất, bào chế, thử nghiệm dược lý và lâm sàng. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, tác dụng có lợi và mong muốn của thuốc, thuốc còn có mặt nhược điểm với tác dụng không mong muốn, phản ứng có hại và ngược lại những điều mong muốn.

thuoc-co-hai.jpg

Theo Chương trình giám sát thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phản ứng có hại của thuốc, viết tắt bằng tiếng Anh là ADR (adverse drug reaction) được định nghĩa là "một phản ứng độc hại không được định trước và xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh, hoặc làm thay đổi một chức năng sinh lý". Định nghĩa này không bao gồm những phản ứng do dùng sai thuốc, dùng sai liều, dùng liều cao có mục đích, do nhầm lẫn hoặc vô tình.

Nguy cơ về phản ứng có hại của thuốc

ADR còn được gọi là tác dụng không mong muốn của thuốc. Hầu như tất cả các loại thuốc có hiệu lực tốt, dù được dùng thận trọng, khôn khéo cũng có thể gây ra phản ứng có hại không mong muốn. Nguyên nhân gây ra phản ứng có hại của thuốc có thể do nhiều yếu tố như: cơ địa, tính dị thường vốn có của người sử dụng thuốc, các dạng thuốc khác nhau, thuốc không tinh khiết, tương tác giữa các nhóm thuốc với nhau... Thảm họa thuốc Thalidomid, một loại thuốc ngủ sản xuất vào đầu thập kỷ 60 thế kỷ 20, được những người phụ nữ mang thai sử dụng sinh ra quái thai với các chi bất thường, đã làm cho con người và xã hội càng quan tâm hơn vào việc cảnh giác thuốc dược phẩm, đồng thời có thái độ nghiêm túc hơn đối với việc nghiên cứu những phản ứng có hại của thuốc. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có chủ trương, chỉ đạo và phổ biến rộng rãi về việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý đến với cộng đồng người dân để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc tràn lan, không kiểm soát được, gây hao phí tiền của và hao tổn sức khỏe của con người.

Chất lượng thuốc có liên quan đến phản ứng có hại của thuốc

Thuốc sản xuất phải đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng thì mới được phép lưu hành và sử dụng cho người bệnh. Yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng thuốc chỉ là những vấn đề quy định tối thiểu mà các nhà sản xuất thuốc nhất thiết bảo đảm cho sản phẩm của mình trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và cung cấp đến tay người sử dụng. Vì vậy, thuốc đạt chất lượng cao hay thấp, có mối liên quan rất chặt chẽ đến phản ứng có hại của thuốc có thể gây ra. Thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn có thể có nguy cơ gây nên phản ứng có hại, còn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì nguy cơ này càng cao hơn. Do đó, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc GMP (good manufacturing practive) và quy tắc bảo quản, lưu trữ thuốc GSP (good storage practive) rất cần được các nhà sản xuất thuốc coi trọng để góp phần làm giảm thiểu những phản ứng có hại, những tác dụng không mong muốn của thuốc sử dụng.

Chất lượng thuốc có mối liên quan đến phản ứng có hại của thuốc phụ thuộc đến rất nhiều yếu tố như:

  • Chất lượng của nguyên liệu thuốc có vai trò quyết định đến chất lượng dược phẩm và như vậy nó có liên quan chặt chẽ đến những phản ứng có hại của thuốc.
  • Tá dược ở trong sản phẩm thuốc (ngoài hoạt chất chính) có vai trò rất quan trọng không những trong kỹ thuật bào chế mà còn gây nên cả những tác dụng phụ nữa.
  • Sự phối hợp hàm lượng và tỷ lệ các chất trong cùng công thức bào chế thuốc không thích hợp cũng dẫn đến tác dụng ngoại ý.
  • Quy trình và kỹ thuật thực hiện để sản xuất thuốc có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thuốc, làm cho sản phẩm thuốc có thể gây nên những phản ứng có hại.
  • Trong quá trình bảo quản thuốc, với những tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, oxy của không khí... thuốc có thể bị biến chất và gây ra những phản ứng có hại.
  • Thuốc giả cũng là mối nguy cơ gây nên những phản ứng có hại của thuốc, có khi xảy ra rất nghiêm trọng.

Như vậy, tác dụng phụ với phản ứng có hại của thuốc có thể do chính hoạt chất của thuốc gây ra và đây có thể là bản chất cố hữu của thuốc, dù có ở dạng hoàn toàn tinh khiết. Phản ứng có hại của thuốc cũng thường do các loại tạp chất có trong thuốc do thuốc kém phẩm chất, kém tinh khiết hoặc do thuốc bị biến chất, bị phân hủy gây ra. Vấn đề thuốc giả hiện nay cũng là thảm họa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã gây nên những phản ứng có hại đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và cần phải được loại trừ ra khỏi xã hội.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image