Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tăng cường phòng chống dịch cúm A/H5N1

Ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) đã chính thức xác nhận ca bệnh dương tính với cúm A/H5N1 tại tỉnh Bắc Kạn. Bệnh nhân là anh TVH., 22 tuổi, ở xóm Nà Tào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 6 của Việt Nam kể từ đầu năm đến nay. Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm cúm A/H5N1 được ghi nhận ở nước ta đã cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2009. Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi nhanh với các vu, cục chức năng Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1.
cum_1.jpg
ThS. Cấp đang điều trị cho bệnh nhân H. nhiễm cúm A/H5N1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW.

cum_2.jpgThS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW: "Tại nơi bệnh nhân sinh sống có hiện tượng gia cầm chết".

Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng rất nặng, toàn thân tím tái, suy đa phủ tạng, trong đó phổi bị nặng nhất (suy hô hấp nặng), còn tim và thận cũng bắt đầu bị ảnh hưởng.

Theo điều tra dịch tễ, tại nơi bệnh nhân sinh sống có hiện tượng gia cầm chết. Cũng tại xã Như Cố còn có 4 người nữa có triệu chứng sốt cao và ho, đang được cách ly, theo dõi. Tuy nhiên sức khỏe của cả 4 người đều ổn định.

ThS. Cấp cảnh báo, người dân trong vùng có hiện tượng gia cầm ốm, chết cần hết cảnh giác và phải thông báo ngay cho chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương. Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, nhất là sau khi có tiếp xúc với gia cầm thì cần nghĩ ngay đến cúm A/H5N1 và đến ngay cơ sở điều trị gần nhất để được tư vấn, theo dõi sức khỏe và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.

Cũng theo ThS.Cấp, hiện nay, BV Bệnh nhiệt đới mới đưa vào sử dụng phòng cách ly âm với kinh phí 250.000 USD do trường Đại học Oxford tài trợ dành cho việc cách ly, điều trị bệnh nhân SARS, cúm A/H5N1. Tuy nhiên, nếu số lượng bệnh nhân đông thì BV sẽ phải huy động thêm những phòng bệnh khác để phục vụ công tác điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

cum_3.jpgTS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: "Các BV luôn phải chủ động sẵn sàng trong điều trị dịch".

Thời tiết mùa này dễ tạo điều kiện thuận lợi cho virut lây lan và phát triển trong đàn gia cầm cũng như nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng và rất dễ lây lan sang người. Do đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản khẩn yêu cầu các BV, viện có giường trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành khẩn trương có kế hoạch chủ động khi có dịch xảy ra; có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, vật tư và bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đảm bảo công tác thu dung, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch. Liên quan đến công tác điều trị dịch cúm A/H5N1, ông Khuê cũng cho biết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu các BV tuyến cuối trong hệ thống điều trị cúm phải sẵn sàng đón nhận điều trị các trường hợp nặng và khó điều trị, đồng thời hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới về công tác phòng, chống dịch. Theo đó, việc đón nhận và điều trị cho các bệnh nhân nặng và trung bình sẽ do các BV tuyến điều trị chủ yếu trong hệ thống cúm đảm nhiệm. Riêng tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ trong hệ thống điều trị cúm, sẽ đảm nhận việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng; hướng dẫn và phối hợp, hỗ trợ tuyến xã trong công tác giám sát, điều trị và chống chống dịch.

cum_4.jpgTS. Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường: "Không được "ngủ quên" trên dịch".

Hiện nay dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết lạnh, ẩm, virut sẽ có cơ hội phát triển và lây lan trong các đàn gia cầm nên nguy cơ lây lan sang người là rất lớn. Người dân cần hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trong việc phát hiện hiện tượng gia cầm ốm, chết và đặc biệt không sử dụng, giết thịt, vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là ở các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm. Vấn đề tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân hiểu và tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm cũng cần được "xốc" lại. Bởi lẽ qua một thời gian dài dịch tạm lắng, dường như người dân và thậm chí cả các cơ quan chức năng ở một số địa phương cũng "ngủ quên" khiến cho dịch bệnh có cơ hội trở lại và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nhóm PVTS
scukhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image