THA - một bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng
THA đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Thực vậy, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị THA. Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006, có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA, tức là cứ khoảng 3 người lớn lại có 1 người bị THA. Nhưng một điều đáng lưu tâm hơn là tỷ lệ những người bị THA còn đang gia tăng một cách nhanh chóng ở cả các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi. Ngay ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Quốc gia tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 27,4%.
Các bác sĩ Viện tim mạch hội chẩn một ca bệnh.
THA - Kẻ giết người số một
Trong báo cáo về sức khoẻ hàng năm của WHO năm 2002 đã nhấn mạnh THA là "kẻ giết người số một". Thực vậy, vào năm 2008, người ta ước tính có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới bị tử vong do THA và các biến chứng tim mạch. Theo một điều tra tại Hoa Kỳ năm 2006 đã cho thấy có 56.561 người Mỹ bị tử vong vì THA. Một nghiên cứu tại nước Đức vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã cho thấy những nguy cơ gây tử vong trong một năm tại Đức là: Đi máy bay thì nguy cơ là 1/1.000.000; lái xe ôtô là 1/5.000; hút thuốc lá là 1/250, nhưng THA thì nguy cơ là 1/50 (!). Người ta cũng thấy là với mỗi mức HA tâm thu tăng lên 20mmHg và HA tâm trương tăng lên 10mmHg thì nguy cơ các biến cố tim mạch cũng sẽ tăng lên gấp đôi. THA là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là:
Các biến chứng về tim: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim...
Các biến chứng về não: Xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do THA...
Các biến chứng về thận: Đái ra protein, phù, suy thận...
Các biến chứng về mắt: Mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.
Các biến chứng về mạch máu: Phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi...
THA - Kẻ giết người thầm lặng
Chỉ có một số ít các bệnh nhân THA là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác ruồi bay, mặt đỏ bừng, ù tai... Nhưng đa số các bệnh nhân bị THA lại thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề. Mặt khác, tuyệt đại bộ phận (khoảng 90%) các bệnh nhân bị THA là không rõ nguyên nhân (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ các bệnh nhân (<10%) bị THA có tìm được nguyên nhân (tức là do hậu quả của một số bệnh lý khác). Do đó, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Vì vậy, việc kiểm tra HA thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng.
3 nghịch lý trong bệnh THA
Mặc dù chúng ta đã hiểu rõ sự phổ biến và mức độ nguy hiểm của bệnh THA nhưng cho đến tận bây giờ, THA vẫn tồn tại 3 nghịch lý, đó là:
THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo HA khá đơn giản) nhưng người ta thường lại không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ. THA là bệnh có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều. THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được HA mục tiêu lại không nhiều.
Thực vậy, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ có 30% số người bị THA được điều trị và trong số những bệnh nhân được điều trị này thì cũng chỉ có 12% số bệnh nhân được kiểm soát tốt về HA (dưới 140/90mmHg).
Những đề xuất cụ thể sau đây luôn là những lời khuyên có ích cho mỗi chúng ta trong việc phòng chống bệnh THA: Giảm cân nặng (nếu thừa cân); Không hút thuốc lá, thuốc lào; Không ăn nhiều chất béo bão hòa; Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); Tập thể dục đều đặn hàng ngày; Hạn chế uống rượu bia; Tránh căng thẳng, lo âu, nên tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ; Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình; Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu...) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó. |
Vì sao lại tồn tại những nghịch lý này?
Đây thực sự là vấn đề không phải đơn giản. Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những thực tế khách quan như sau:
Nhận thức của nhân dân về sự thường gặp, về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực; Việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh THA nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không đơn giản vì những thói quen sinh hoạt không hợp lý đã tồn tại từ khá lâu và nhận thức của người dân cũng còn những hạn chế nhất định; Người bệnh THA lại thường hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu... làm cho việc khống chế số đo HA càng khó khăn hơn; Việc điều trị THA cần phải được thực hiện một cách liên tục và lâu dài, tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bệnh chưa thực hiện được đúng theo những nguyên tắc này, cũng có thể do người bệnh tự lầm tưởng là bệnh đã khỏi hoặc do điều kiện kinh tế có khó khăn không tiếp tục mua được thuốc nữa hoặc do một vài tác dụng phụ của thuốc gây ra đối với bệnh nhân...
Liệu chúng ta có thể phòng, chống lại được kẻ giết người thầm lặng này hay không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân của mỗi người chúng ta rất nhiều.
Ở nước ta, trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng nặng nề của bệnh THA, ngày 19/12/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt chương trình phòng chống THA trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010. Ban Điều hành quốc gia phòng chống THA với nòng cốt là các cán bộ của Viện Tim mạch Việt Nam đã tích cực tham gia triển khai các hoạt động trong cộng đồng như truyền thông, giáo dục sức khoẻ, khám sàng lọc THA, xây dựng các mô hình phòng chống THA từ tuyến xã, phường tới tuyến Trung ương.
Chúng ta hy vọng là với tất cả những cố gắng của toàn xã hội, của cả cộng đồng, việc kiểm soát THA sẽ mang lại những lợi ích đáng kể. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là vũ khí hữu ích hàng đầu trong cuộc chiến chống lại "kẻ thù thầm lặng này".
GS.TS. NGUYỄN LÂN VIỆT
(Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam