Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

TĂNG NATRI MÁU DO THUỐC: MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Tăng nồng độ natri trong máu xảy ra ở khoảng 0,3 - 3,5% người bệnh nhập viện, đặc biệt là người bệnh cao tuổi và người bệnh đang điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực. Tỷ lệ tử vong lên đến 40 - 60% với người bệnh điều trị ở đơn vị hồi sức tích cực khi gặp phải tình trạng này.

Tăng nồng độ natri trong máu được xác định khi giá trị này > 145 mmol/L, thường là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó thuốc thường bị bỏ qua và không được coi là căn nguyên. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến các thuốc có thể gây tăng nồng độ natri trong máu và cơ chế bệnh sinh của tình trạng này.

Hình 1: Cơ chế bệnh sinh gây tăng nồng độ natri trong máu

Một số thuốc đã được ghi nhận gây tăng nồng độ natri máu bao gồm lithium, amphotericin B, empagliflozin, dapagliflozin, manitol, lactulose, phenyltoin …. Mất nước qua thận (đái tháo nhạt, đa niệu thẩm thấu) hoặc mất nước qua dạ dày trong quá trình dùng thuốc là nguyên nhân chủ yếu, trong khi việc sử dụng dịch ưu trương hiếm khi làm tăng nồng độ natri máu. Một số cơ chế bệnh sinh thường gặp liên quan đến tăng natri máu được mô tả ở hình 1.

Ở bệnh nhân thông thường, tăng natri máu làm tăng áp lực thẩm thấu, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng bài tiết hormone chống bài niệu (ADH) tạo  cảm giác khát cho người bệnh. Rối loạn bài tiết ADH ở thùy sau tuyến yên khi phản ứng với tình tạng tăng áp lực thẩm thấu hoặc giảm đáp ứng của thận với ADH sẽ gây đái tháo nhạt, do đó sinh ra lượng nước tiểu nhược trương lớn (3 - 20 L/ngày). Nhóm người bệnh cao tuổi, người bệnh có rối loạn tâm thần, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc tăng natri máu do sụt giảm kích thích cảm giác khát khi tăng áp lực thẩm thấu. Các thuốc gây tăng nồng độ natri trong máu được đề cập ở bảng 1:

Bảng 1. Các thuốc có khả năng gây tăng natri máu

  1. Tăng natri máu do mất nước
  1. Mất nước qua thận
  1. Đái tháo nhạt ở thận

Thuốc gây hạ kali máu: thuốc lợi tiểu, cisplatin, kháng sinh aminoglycosid, amphotericin B, dẫn chất penicillin

Thuốc gây tăng calci máu: lithium, vitamin A hoặc D khi dùng quá liều

Các thuốc khác: democlocyclin, foscarnet, colchicin, vinblastin, thuốc đối kháng thụ thể vasopressin V2 (tolvaptan), thuốc ức chế SGLT-2 (dapaglifozin, empaglifozin)

  1. Đái tháo nhạt trung ương

Lithium, phenytoin, ethanol

  1. Các nguyên nhân khác

Thuốc lợi tiểu quai

Thuốc lợi tiểu thẩu thấu

Mannitol

Các thuốc làm tăng nồng độ ure trong nước tiểu: corticosteroid, liệu pháp dinh dưỡng có hàm lượng protein cao

  1. Mất nước qua đường tiêu hóa

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: lactulose, sorbitol

  1. Tăng natri ưu trương

Truyền muối natri bicarbonat ưu trương

Truyền muối natri chlorid ưu trương

Cho ăn dịch ưu trương qua ống thông dạ dày

N-acetylcystein

Ngoài ra, trong 1 g kháng sinh fosfomycin chứa khoảng 0,32 g natri, do đó khi sử dụng kháng sinh fosfomycin đường tĩnh mạch có thể làm tăng nồng độ natri trong máu, đồng thời tác dụng không mong muốn thường gặp của fosfomycin là hạ kali máu có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng tăng natri máu của người bệnh.

Chiến lược ngăn ngừa tăng natri máu do thuốc bao gồm: đánh giá cẩn thận các yếu  tố nguy cơ, biểu hiện lâm sàng, các giá trị cận lâm sàng trong quá trình điều trị. Ngừng sử dụng các thuốc có khả năng tăng natri máu đồng thời đảm bảo đủ nước là các ưu tiên hàng đầu trong điều trị.

Mặc dù tăng natri máu do thuốc ít khi gặp phải trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên cần theo dõi cẩn thận việc sử dụng các thuốc kể trên đặc biệt ở các bệnh nhân cao tuổi, suy giảm tâm thần và bệnh nhân nguy kịch. Vì vậy, để thực hành tốt trên lâm sàng, cần nhận biết được tác dụng không mong muốn làm tăng nồng độ natri trong máu của các thuốc mà người bệnh đang sử dụng.  

Nguồn: 

1.  Liamis, G., H.J. Milionis, and M. Elisaf, A review of drug-induced hypernatraemia. NDT Plus, 2009. 2(5): p. 339-46.

2.  Patel, N., et al., Salt and Water: A Review of Hypernatremia. Adv Kidney Dis Health, 2023. 30(2): p. 102-109.

3.  Sugiyama, J., et al., Dapagliflozin induced hypernatremia via osmotic diuresis: a case report. CEN Case Rep, 2024. 13(1): p. 9-13.

4.  Gelbenegger, G., et al., Severe Hypernatraemic Dehydration and Unconsciousness in a Care-Dependent Inpatient Treated with Empagliflozin. Drug Saf Case Rep, 2017. 4(1): p. 17.

5.  Bộ Y tế, Thông tin kê đơn Fosmicin for I.V. Use 2g, 2024.

Điểm tin: DS. Lê Hoàng Trung

Đơn vị Dược lâm sàng – thông tin thuốc, Khoa Dược

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image