BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG Số: 113 /TB-DPMT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Về tình hình cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả
Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế thông báo tình hình dịch cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả, đến 17h00 ngày 20/01/2010 như sau:
1. Tình hình dịch trên thế giới:
Theo thông báo số 83 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 10/01/2010, toàn thế giới đã có hơn 208 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận bệnh nhân dương tính với vi rút cúm A(H1N1), trong đó đã có 13.554 trường hợp tử vong. Các khu vực hiện đang ghi nhận có sự lây truyền cúm A(H1N1) trong cộng đồng cao là Bắc Phi, Nam Á, Đông và Đông Nam Âu.
Tại khu vực Châu Á, một số nước ghi nhận số ca tử vong do nhiễm vi rút cúm A(H1N1) cao là: Ấn Độ: 1119; Nhật Bản: 145; Trung Quốc (đại lục): 714; Hàn Quốc: 170; Australia: 191; Thái Lan: 196; Malaysia: 77.
Tại một số nước như Đức, Vương quốc Anh đã ghi nhận tình trạng lây truyền bệnh than qua đường tiêm chích ở những người nghiện chích ma tuý trong khi từ trước tới nay rất hiến gặp phương thức lây truyền bệnh than từ người sang người, với phương thức lây truyền này bệnh có thể tiếp tục được ghi nhận ở một số nước khác.
2. Tình hình dịch tại Việt Nam:
2.1. Về tình hình dịch cúm A(H1N1):Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, tính đến 17h00 ngày 20/01/2010, Việt Nam đã ghi nhận 11.166 trường hợp dương tính, 56 trường hợp tử vong.
Trường hợp tử vong thứ 54 tại Lạng Sơn.
Bệnh nhân nữ, 08 tuổi, địa chỉ: huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (β Thalassemia)
Trước khi nhập viện 4 ngày bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt, đau bụng nên ngày 27/12/2009 bệnh nhân đến khám và nhập bệnh viện tỉnh Bắc Giang, sau 02 ngày điều trị bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, ăn kém. Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp và tim mạch, được chỉ định dùng ngay thuốc kháng vi rút Oseltamivir,... và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A(H1N1). Trong quá trình điều trị bệnh tiến triển nặng hơn, kém đáp ứng với điều trị và đến ngày 01/01/2010 bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp, viêm phổi do vi rút cúm A(H1N1)/β Thalassemia.
Trường hợp tử vong thứ 55 tại Nam Định.
Bệnh nhân nam 39 tuổi, địa chỉ: huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh bạch cầu cấp dòng bạch cầu hạt, nhiều năm điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Đợt này bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ho khan, khó thở, điều trị 10 ngày tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được làm test nhanh dương tính với cúm A(H1N1) nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 07/01/2010. Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản, điều trị Tamiflu theo phác đồ và hội chẩn chuyên khoa huyết học để phối hợp điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân luôn ở trong tình trạng rất nặng. Ngày 08/01/2010 bệnh nhân suy hô hấp nặng, phải đặt ống nội khí quản và thở máy. Tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, bệnh nhân tử vong ngày 09/01/2010.
Trường hợp tử vong thứ 56 tại Thái Bình.
Bệnh nhân nữ, 17 tháng tuổi, địa chỉ: huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, bệnh nhân có tiền sử suy dinh dưỡng nặng, còi xương kháng vitamin D.
Trước khi đến bệnh Viện Nhi Trung ương bệnh nhân đã được điều trị tại bệnh viện tỉnh Thái Bình trong tình trạng sốt, tiêu chảy. Ngày 06/01/2010 bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao, khó thở, đi ngoài phân lỏng nên được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm đến ngày 08/01/2010 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1). Trong quá trình điều trị tình trạng khó thở tăng lên, kém đáp ứng với điều trị nên ngày 13/01/2010 gia đình bệnh nhân xin về nhà và tử vong vào ngày 15/01/2010.
2.2. Về tình hình dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả: Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, ngày 19/01/2010 ghi nhận 03 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn Tả tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cả 03 trường hợp trên đều sống ở Campuchia, trong đó tỉnh Tà Keo (02 trường hợp) và tỉnh Cần Đan (01).
Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nữ, 09 tuổi, sống tại xã Thốt Nốt, huyện An CoBrây, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Bệnh nhân là học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ngày 15/01/2010 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện An Phú trong tình trạng mạch 0, huyết áp 0 sau khi đã điều trị tại phòng khám tư nhân nhưng không giảm. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cùng ngày và có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả ngày 18/01/2010.
Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân nữ, 06 tuổi, là em ruột và sống tại địa chỉ cùng với trường hợp thứ nhất nêu trên. Ngày 17/01/2010 bệnh nhân được đưa đến nhập bệnh viện đa khoa huyện An Phú, được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm cùng ngày, kết quả ngày 19/01/2010 dương tính với phẩy khẩn Tả.
Trường hợp thứ ba: Bệnh nhân nữ, 19 tuổi, sống tại Per chạy, Cỏ Thum, tỉnh Cần Đan, Campuchia. Ngày 17/01/2010 bệnh nhân được nhập bệnh viện đa khoa huyện An Phú, được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm cùng ngày, kết quả ngày 19/01/2010 dương tính với phẩy khuẩn Tả.
3. Khuyến cáo của Bộ Y tế:
3.1. Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, những người đang công tác tại các công sở, người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chung cư, ký túc xá,... chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
3.2. Phụ nữ có thai đặc biệt là phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mới sinh là đối tượng nguy cơ cao, dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong cho cả mẹ và con.
3.2. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ cảm nhiễm với cúm A(H1N1), nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đưa cháu đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
3.4. Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời.
3.5. Hiện nay, dịch cúm A(H1N1) tiếp tục lây lan mạnh trong cộng đồng kể cả ở các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, trong đó đã có trường hợp tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm A(H1N1) và đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.
3.6. Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.
3.7. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng nước sạch để phòng tránh bệnh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đặc biệt là phòng tránh bệnh Tả.
3.8. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).
Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của dịch.
| CỤC TRƯỞNG NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ (Đã ký) Nguyễn Huy Nga |