Nhân dịp vào bệnh viện thăm và động viên thân nhân chiến sỹ, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải nhất Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” cho thượng úy Nguyễn Đình Thành. CN. Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Việc chăm sóc tận tình và thăm hỏi động viên kịp thời cho thân nhân các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo là hành động thiết thực của hậu phương để cho các chiến sĩ nơi quần đảo tiền tiêu yên tâm công tác. Sau chuyến thăm khám và đi thực tiễn tại Trường Sa, các cán bộ Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã thực sự thấu hiểu những hy sinh và nỗ lực to lớn của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời đất nước. Chính vì vậy, khi có thân nhân của chiến sĩ điều trị tại bệnh viện Bạch Mai chúng tôi luôn có những ưu tiên và dành cho bệnh nhân sự chăm sóc, điều trị tốt nhất.
Niềm vui khi bố khỏi bệnh, được ra viện cùng với niềm vui giành giải nhất trong cuộc thi rạng ngời trên khuôn mặt người chiến sĩ trẻ. Thành cho biết: “Cách đây hơn một tháng, tôi tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức. Gần kết thúc khóa học, tôi được các đồng chí tham gia giảng dạy thông báo: Báo QĐND sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ngày thương binh, liệt sĩ. Nghe thông tin ấy, tôi rất vui và háo hức tham gia. Nhưng thật không may, vào thời điểm phát động cuộc thi, bố tôi lâm bệnh nặng phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Được phép của chỉ huy đơn vị, kết thúc khóa tập huấn, tôi ở lại bệnh viện chăm sóc bố. Và cũng trong thời gian này, tôi tranh thủ viết bài tham gia cuộc thi...”.
Là cán bộ biên phòng, lại đang công tác tại Phú Quốc, Thượng úy Nguyễn Đình Thành cảm nhận sâu sắc rằng, dù ở thời đại nào thì người Việt Nam luôn đặt lên trên hết tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống; nhiều người bước ra khỏi cuộc chiến khi thân thể không còn vẹn nguyên. Vượt lên tất cả, những con người “tàn nhưng không phế” ấy đã làm được nhiều điều kỳ diệu, trở thành biểu tượng cho ý chí và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Tham gia cuộc thi, Nguyễn Đình Thành có rất nhiều lợi thế. Ở phần thi trắc nghiệm với những câu hỏi được Ban tổ chức đặt ra cũng chính là các vấn đề anh thường nói chuyện mỗi lần về với đồng bào. Nguyễn Đình Thành chia sẻ: “Tham gia kỳ 1 của cuộc thi, đọc câu hỏi phần tự luận, trong tâm trí tôi hiện về cảm xúc lần theo đoàn của Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng đến thắp hương tại Tượng đài Nắm Đấm (Phú Quốc). Cảm xúc cứ từ đó tuôn trào và thế là tôi viết: “Tôi bước thật chậm, đặt chân thật nhẹ vì sợ vô tình làm đau những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vẫn đang nằm trong lòng đất. Những viên đá, sỏi va vào nhau xào xạo, hòa vào gió nghe như tiếng vọng về từ quá khứ… Trước mắt tôi, Tượng đài Nắm Đấm sừng sững, sáng lên giữa nền trời xanh. Đây là đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc...”. Bài viết chỉ gói gọn trong 500 chữ nhưng với lối viết tinh tế, cô đọng, giàu cảm xúc, Nguyễn Đình Thành đã cho độc giả cảm nhận được sự tàn ác, man rợ của bọn cai ngục; sự dũng cảm, can trường, sự hy sinh cao cả của những người cộng sản...
Thượng úy Nguyễn Đình Thành tâm sự, giải thưởng là nén tâm nhang mà anh dành tri ân các anh hùng liệt sĩ. Anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi, bởi tính nhân văn, sự kính trọng, biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho đất nước nở hoa độc lập.
Bài Đỗ Hằng - Ảnh Thế Anh