Kẹp sửa van hai lá là một kỹ thuật phức tạp được phát triển đầu tiên bởi hãng Abbott-Mỹ và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Kỹ thuật này đòi hỏi sự kết hợp của đơn vị can thiệp tim mạch để lái dụng cụ kẹp van dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò 3D – dựng hình buồng tim trong không gian.
Việc tránh cho bệnh nhân phải chịu một cuộc phẫu thuật mở tim cũng giúp cho quá trình phục hồi của bệnh nhân được nhanh hơn và rõ ràng hơn. Kết quả là tình trạng hở van hai lá của bệnh nhân đã được giảm đáng kể.
Sau 6 tháng chuẩn bị, buổi can thiệp đã diễn ra hết sức thành công với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về can thiệp tim mạch trong nước và các chuyên gia Singapore.
PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam cho biết, đây là một trong những bước tiến quan trọng của Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để cứu chữa bệnh nhân tim mạch.
Thành công bước đầu này hứa hẹn sẽ mang lại cho bệnh nhân thêm nhiều lợi ích hơn nữa nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong Y học. Hi vọng trong tương lai gần, kỹ thuật này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam.
* Hở van hai lá là tình trạng van hai lá đóng không kín, khiến cho lượng máu bơm đi nuôi toàn cơ thể bị giảm đi, đồng thời thay đổi cấu trúc buồng tim.
Ở những bệnh nhân hở van hai lá mức độ nhiều sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng bơm máu của quả tim, từ đó dẫn đến suy tim nặng hơn. Khi hở van hai lá nặng ảnh hưởng đến chức năng của tim thì có chỉ định sửa van.
Trước đây người ta thường phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá nhân tạo. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bệnh nhân từ chối phẫu thuật hoặc không đủ tiêu chuẩn phẫu thuật do cao tuổi hoặc có các bệnh khác kèm theo. Chính vì vậy, phương pháp can thiệp kẹp sửa van hai lá qua da để làm giảm mức độ hở van hai lá đã ra đời.
Theo Chinhphu.vn