Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy... tăng 20 -30% so với bình thường. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết mưa nắng thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển, khiến số trẻ đổ bệnh tăng lên.
Hiện là mùa đỉnh điểm của các bệnh đường hô hấp ở trẻ. Đây cũng là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, có những trẻ bị viêm phổi, điều trị gần được ra viện lại sốt virus hoặc mắc kèm bệnh viêm đường hô hấp trên nên kéo dài thời gian nằm viện.
Với số lượng 60 giường bệnh nhưng hiện nay khoa Nhi BV Bạch Mai có gấp đôi số bệnh nhi đang nằm điều trị nên tình trạng nằm ghép lại xuất hiện. Hơn một nửa trong số đó là bệnh nhân viêm đường hô hấp. Thời gian này còn có hiện tượng cha mẹ phải xếp hàng buổi tối để khám bệnh cho con.
Bệnh viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên, trong đó bệnh viêm đường hô hấp do virus có những đặc điểm như sốt, ớn lạnh hoặc lạnh, nhức đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Đôi khi trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này khiến vào buổi sáng sớm trẻ thường bị những cơn ho kéo dài, ngạt mũi nặng hơn.
Bác sĩ Dũng cho hay, viêm phế quản cấp do siêu vi là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết diễn biến bất thường. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng ban đầu là ho khan rồi kéo dài và tăng dần nhưng không có đờm. Cơn ho thường dai dẳng và sau đó xuất hiện đờm.
Phải sau khoảng 7 - 10 ngày, cơn ho mới giảm dần. Nếu không phân biệt và xử lý đúng, bệnh có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi. Theo TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho là một phản xạ có lợi để tống đờm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng cho trẻ có thể hít thở dễ dàng.
Vì thế, không nên lạm dụng các loại thuốc giảm ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng phụ. Trên thực tế nếu dùng đúng loại kháng sinh thích hợp cũng sẽ giúp trẻ giảm ho nhanh chóng.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, những trẻ có biểu hiện ho, sốt, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh chú ý tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin để tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ... Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, nhất là kháng sinh.
Theo Tiền phong online